Tiền 'ứ' trong ngân hàng, tài khoản chứng khoán

23/01/2024 06:31 GMT+7

Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong năm 2023 đạt kỷ lục, và số lượng tiền mặt hiện có trong các tài khoản chứng khoán cũng xấp xỉ mức cao lịch sử.

Tiền mặt trong tài khoản chứng khoán lên cao

Hôm qua (22.1), giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng trở lại với giá trị hơn 19.700 tỉ đồng. Trong đó, riêng sàn HOSE có giá trị giao dịch đạt hơn 18.700 tỉ đồng, cao hơn 4.700 tỉ đồng so với phiên cuối tuần qua. Điều này giúp chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 1,36 điểm lên 1.182,86 điểm và HNX-Index cũng tăng 0,29 điểm lên 229,77 điểm.

Thế nhưng, giá trị giao dịch từ quý 4/2023 đến nay vẫn luôn ở mức thấp. Thị trường chưa xuất hiện trở lại các phiên giao dịch tỉ USD như trước đó, cho thấy nhiều nhà đầu tư (NĐT) chỉ đứng ngoài hay giảm mạnh giao dịch. Điều này cũng thể hiện ở số dư tiền mặt trong tài khoản lên cao.

Theo ước tính từ báo cáo tài chính quý 4/2023 của các công ty chứng khoán, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối năm 2023 đạt gần 83.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhiều công ty có số dư tiền gửi của NĐT tăng thêm 1.000 - 2.000 tỉ đồng chỉ riêng trong quý cuối cùng của năm qua. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán VPS có số dư tiền gửi khách hàng lớn với gần 16.600 tỉ đồng; Công ty VNDirect có số dư đạt 6.400 tỉ đồng; TCBS với số dư tiền gửi của nhà đầu tư 5.800 tỉ đồng; SSI ghi nhận mức tiền gửi của nhà đầu tư gần 5.300 tỉ đồng; VCBS đạt 4.800 tỉ đồng…

Tiền 'ứ' trong ngân hàng, tài khoản chứng khoán- Ảnh 1.

Lượng tiền trên tài khoản chứng khoán tăng cao

NHẬT THỊNH

Tiền mặt có sẵn trong tài khoản chứng khoán của các NĐT là thêm một dấu hiệu cho thấy vốn "ứ" lại mà không chảy vào nền kinh tế. Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2023 lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng (NH) của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2022. Đây là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành NH. Điều đáng nói chính là lượng tiền gửi đạt kỷ lục trong bối cảnh lãi suất huy động của các nhà băng cũng xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện đa số các NH huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ dưới 4,2%/năm và 12 tháng dưới 5,5%/năm.

Tiền ‘nằm chờ’ trong ngân hàng, tài khoản chứng khoán

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lượng tiền mặt trong tài khoản chứng khoán lên cao cho thấy nhiều NĐT vẫn nằm im, chưa xuống tiền giao dịch. Đây là giai đoạn thị trường "hoài nghi" nên biến động không lớn, chỉ tăng nhẹ hay giảm nhẹ. Bản thân nhiều NĐT chưa nhìn thấy được cơ hội rõ ràng nên chưa giao dịch mạnh, từ đó lượng tiền mặt trên tài khoản gia tăng. Nhưng dòng vốn này sẽ thay đổi rất nhanh. Thông thường khi kinh tế hồi phục thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước và chỉ cần trong vài phiên giao dịch, tài khoản NĐT lại sạch tiền và "full" chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác thì thống kê số tiền vay của NĐT chứng khoán cũng tăng mạnh lên mức cao. Ước tính dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán đến cuối quý 4/2023 lên đến 180.000 tỉ đồng, tăng khoảng 15.000 tỉ đồng so với cuối quý 3/2024. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 2 năm vừa qua. Như vậy cũng có thể lượng tiền mặt đang nằm trên tài khoản chứng khoán của NĐT cũng có phần "góp" của số tiền cho vay từ các công ty chứng khoán.

Dòng tiền cần được bơm mạnh để tăng tốc độ quay vòng

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định lượng tiền mặt tăng cao trong hệ thống NH hay tiền gửi chứng khoán cho thấy tâm lý bi quan của nhiều NĐT, doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện tại. Không chỉ tiền gửi của cá nhân mà tiền gửi DN tiếp tục đổ vào NH cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn. Như vậy nhiều người đánh giá cơ hội kinh doanh, đầu tư vẫn chưa có. Hiện nhiều người vẫn ưu tiên cho tiêu chí an toàn là chính, vì vậy gửi tiền vào NH, giữ tiền mặt vẫn chủ đạo.

Do đó, ông Thế Anh cho rằng Chính phủ phải có giải pháp để DN có niềm tin hơn, lạc quan hơn. Chẳng hạn làm thế nào để loại bỏ được rủi ro liên quan đến pháp lý trong hoạt động kinh doanh? Môi trường kinh doanh sắp tới có tốt hơn hay không? Đây mới là vấn đề cốt lõi để DN quyết định rút tiền ra khỏi NH để đầu tư kinh doanh hoặc gia tăng vốn vay. Song song đó, giảm lãi suất cho vay cũng là một điều kiện và cần thúc đẩy thêm bởi nhiều DN vẫn còn đang chịu lãi suất cao, nhất là vay trung dài hạn. Hay như dù giảm lãi suất, nhưng DN không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, thì việc giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa. Cần rà soát mức độ, khả năng tiếp cận vốn của DN. Những quy định nào chưa phù hợp thì kiến nghị sửa đổi.

Thứ hai, DN nâng cao năng lực của mình, hỗ trợ tiêu thụ thị trường, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ…

Tiền 'ứ' trong ngân hàng, tài khoản chứng khoán- Ảnh 2.

Tiền gửi vào ngân hàng vẫn gia tăng bất chấp lãi suất giảm kỷ lục

NGỌC THẮNG

TS Lê Đạt Chí nhận định không chỉ cá nhân vẫn tiếp tục gửi tiền vào NH bất chấp lãi suất giảm mạnh mà nhiều DN hiện cũng duy trì tiền mặt lớn. Đây là điểm lạ khi bước vào thời điểm đầu năm mới của một niên độ tài chính, nhất là chuẩn bị cho Tết âm lịch nhưng các DN không mạnh dạn sử dụng tiền để gia tăng hàng hóa dự trữ, đẩy mạnh sản xuất cho thấy sức mua trên thị trường còn quá yếu. Từ đó khiến DN dè dặt, càng mang tính phòng thủ. Hơn nữa, hiện room tín dụng được mở tối đa nhưng các NH cũng khó đẩy nhanh tốc độ cho vay. Để thúc đẩy nhanh dòng vốn thì cần có lực đẩy mạnh hơn, dòng tiền cần được "bơm" để tăng tốc độ quay vòng nhanh hơn.

Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn. Điều này mới thúc đẩy được vòng quay của tiền. Khi vòng quay của tiền được gia tăng thì sẽ lan tỏa đến các ngành kinh tế và quay ngược lại thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng của người dân nói chung.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.