Tiếng gọi của rừng - Truyện ngắn dự thi của Nam Giang (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nam Giang
(Bà Rịa-Vũng Tàu)
19/05/2024 08:30 GMT+7

Chuyến xe vượt qua mấy cung đường ngoằn ngoèo cuối cùng cũng tới Nam Cát Tiên. Chưa tới năm giờ sáng. Hãy còn quá sớm cho chuyến đò đầu tiên sang Vườn quốc gia khởi hành. Không còn cách nào khác, cô kéo va li trên tay, tìm một chỗ ngồi chờ. Tháng mười một, trời đang độ cuối thu, gió từ sông phả vào người khiến cô thấy lạnh. Sửa lại chiếc khăn trên cổ, cô đưa mắt nhìn quanh để tìm ai đó cũng đang chờ chuyến đò sớm sang sông. Không có ai. Cô thở dài.

Tiếng gọi của rừng - Truyện ngắn dự thi của Nam Giang (Bà Rịa - Vũng Tàu)- Ảnh 1.

Minh họa: Văn Nguyễn

Nhớ bữa ngồi cùng đám bạn ở quán cà phê nằm cạnh mé sông trong một chiều lặng gió, bản nhạc không lời vừa cất lên phút chốc bỗng lạc loài khi nghe cô nói sẽ "bỏ phố về rừng". Phương, đứa bạn thân nhất của cô hết mắt chữ O, mồm chữ A, lại đưa tay sờ trán cô:

- Mày có bị gì không đó Hà?

- Thì tao vẫn ở gần sông, chỉ thay đổi từ hạ nguồn lên với thượng nguồn - Cô đáp.

Đám bạn lắc đầu. Không ai có thể tin một người đang làm việc cho một công ty lữ hành quốc tế với mức lương nhiều người mơ ước lại quyết định vội vàng như vậy. Cô nhìn đám bạn, cười trừ. Thật khó để giải thích cho tụi nó hiểu theo kiểu hệ tâm linh rằng: Quyết định của cô đến từ tiếng gọi của rừng.

Trời hừng sáng. Bến bắt đầu đông khách. Cô đứng lên hòa theo dòng người xuống bến, không quên đưa mắt nhìn con đường vừa dẫn cô tới đây. Một chút ngập ngừng…

***

Ông giám đốc Vườn quốc gia thoáng ngạc nhiên khi cô đưa giấy giới thiệu. Dường như chưa tin một cô gái trẻ quen sống ở thị thành lại muốn về đây làm việc, dù rằng chỉ vài năm đến khi dự án kết thúc.

- Ở đây toàn là rừng rú, chưa kể đến cái lạnh, rồi muỗi, vắt… có chịu khổ được không cô?

- Phải thử mới biết có chịu được không chứ chú. Con còn trẻ, sức khỏe còn tốt thì ngại gì mà hổng… xông pha.

Ông giám đốc lắc đầu, đặt bút ký, dường như cũng bất lực trước sự ngang bướng của cô gái trẻ ngồi trước mặt mình.

Sau khi hoàn thành mọi thủ tục cần thiết, cô chào ông giám đốc rồi trở về nơi ở, một căn phòng được ban giám đốc dành cho cô trong Vườn quốc gia. Từ bây giờ, cô chính thức trở thành một phần trong dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do WWF (*) thực hiện tại Vườn quốc gia với vai trò thành viên của tổ công tác. Nhiệm vụ của cô và các thành viên còn lại là tìm cách đảm bảo sinh kế, lợi ích của các cộng đồng cư dân vùng đệm, nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ rừng cũng như các loài động vật hoang dã.

Nắng đã lên khá cao. Gió thổi qua những tán dầu làm lá vàng rơi lả tả xuống thảm cỏ trước mặt. Thảm cỏ này, ngày xưa, cô và Lâm cũng đã từng ngồi…

…Đêm dậy mùi ngai ngái. Mùi của hơi đất sau cơn mưa chiều và mùi ẩm của lá cây mục. Nhưng đêm nay, rừng không yên tĩnh. Cả khu bệnh xá đèn đuốc sáng choang khi một người gặp nạn vừa được đưa về đây sơ cứu. Tiếng giục giã, tiếng la hét, tiếng thở dài và cả tiếng cầu nguyện tạo thành một thứ âm thanh vô cùng hỗn độn. Người nằm trên giường với một vết dao đâm ngay ngực, hơi thở yếu ớt, máu chảy ra ướt đẫm cả tấm ga trắng. Người đó không ai khác, là Lâm.

Người ta kể chuyện đội tuần tra của đồn kiểm lâm nhận tin báo có đám lâm tặc đang săn bắn động vật quý hiếm nên vội vã vào rừng. Cuộc chạm trán của bốn cán bộ kiểm lâm với chín gã lâm tặc được trang bị hung khí, hung hăng chống trả làm hai cán bộ kiểm lâm bị thương. Một người bị chém sượt ngang vai, cũng may là nhẹ. Người còn lại bị một nhát dao chí mạng vào ngực. Một cuộc chạy đua với thời gian để đưa người bị thương ra bệnh viện. Nhưng quãng đường bốn mươi phút cho xe cấp cứu đến bến đò, thêm mười lăm phút để qua sông và ngần ấy thời gian để trở về bệnh viện. Giờ chỉ còn trông đợi… một phép màu.

Cô rùng mình khi nhớ tới thước phim vừa được tua lại. Ám ảnh khi nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm. Và tự lay tỉnh chính mình để ra bến xe lên đây một cách nhanh nhất có thể. Nhưng tất cả là quá muộn. Đến cơ hội nhìn mặt Lâm lần cuối cũng không còn. Lâm ra đi, những món nợ mà cô nợ Lâm mãi ở lại cái tuổi ba mươi hai của Lâm và hai bảy của cô.

Cô nợ Lâm một ơn cứu mạng. Đó là một ngày của tháng sáu, năm cô hai mươi ba tuổi, khi những cánh hoa đào Cát Tiên, bằng lăng tím nở rộ khắp Vườn quốc gia. Cô cùng nhóm bạn thực hiện chuyến trekking vào rừng. Mải mê ngắm những cánh hoa mỏng, mịn, có màu hồng tươi, nở theo từng cụm lớn; rồi đến màu tím mơ mộng của bằng lăng hay những sợi dây rừng đan vào nhau như chiếc võng trong vườn cổ tích, bước chân cô cứ đi mãi không dừng. Đến khi giật mình nhìn lại thì trời đã về chiều, mất phương hướng, cô không thể nào tìm được lối ra. Giữa rừng sâu, sóng điện thoại không có, chai nước mang theo cũng sắp cạn, cô hoảng loạn kêu cứu. Đáp lại cô chỉ là tiếng vọng của chính mình.

Đêm đến, mưa nặng hạt kèm theo gió rít và cái lạnh cắt da, cô sờ soạng trong bóng đêm cố gắng tìm cho mình một gốc cây to để trú ẩn. Đói, rét, kiệt sức nhưng không dám thiếp đi, sợ mình không thể tỉnh lại. Nhưng rồi, cô lại ngất đi lúc nào không rõ. Lúc tỉnh lại, cô thấy mình nằm trong bệnh viện, mới biết Lâm là người tìm thấy và cứu cô.

Cô nợ Lâm một mái ấm gia đình. Kể từ khi gặp đến khi yêu chỉ vài tháng ngắn ngủi nhưng sau đó là khoảng thời gian dài dằng dặc phải yêu xa. Giấc mơ về một gia đình nhỏ tạm thời gác lại khi cô nhận được học bổng sang nước ngoài du học. Ba năm, Lâm chờ đợi cô. Ba năm, không hề gặp mặt, ngoại trừ những dòng tin nhắn hay những cuộc gọi vội vã. Rồi cô về nước, muốn mình phát triển sự nghiệp trước nên bắt Lâm phải tiếp tục chờ thêm. Lâm đã chờ cho đến ngày anh mất.

Sáu năm rồi, ngỡ mọi thứ đã chìm trong quên lãng thì cô lại bị đánh thức bởi những giấc mơ. Giấc mơ có Lâm, có rừng và có cả dòng sông đang cuồn cuộn chảy.

***

Cô bắt đầu từ Tà Lài, một xã vùng đệm của Vườn quốc gia với đa phần đồng bào thiểu số sinh sống. K'Nang, cậu thanh niên trẻ người Mạ, chở cô trên chiếc xe máy cũ. Hai mươi sáu tuổi, nói tiếng Việt lơ lớ nhưng được cái hay cười khoe hàm răng trắng sáng. K'Nang bảo, đã lâu lắm rồi mới có "cán bộ" từ miền xuôi đến đây và ở lại dài ngày, chứ thường người ta chỉ đến vài ngày lại đi và cũng chưa thấy thay đổi gì. Trước dịch Covid-19, làng du lịch Tà Lài vẫn có đông du khách tới lui. Dịch đến, làng đóng cửa nên mấy công trình ở đây cũng bắt đầu xuống cấp. Dịch qua, làng mở lại nhưng vắng vẻ, đìu hiu, nhiều dịch vụ bên trong làng tạm ngừng hoạt động. Mợ của K'Nang đã đóng cửa gian hàng bán đồ lưu niệm trong làng cả năm nay. K'Nang may mắn còn giữ được công việc đưa khách vào rừng trải nghiệm nhưng thu nhập cũng giảm.

Mà không chỉ ở Tà Lài, đến K'Lan, em gái của K'Nang, trước làm công nhân ngoài thị trấn, tiền lương mỗi tháng được bảy, tám triệu. Nhưng dạo gần đây công ty không có đơn hàng nên cắt giảm nhân công, K'Lan phải trở về nhà. Chỉ có vài sào ruộng rẫy thì không đủ ăn, người dân đành phải vào rừng. Mùa mưa thì lấy măng. Mùa nắng thì bẫy chim, săn thú, đào rễ cây. Biết là bị cấm nhưng không còn cách nào khác.

Đi qua vài con đường, K'Nang đưa cô lên một ngọn đồi mọc đầy hoa dại. Từ trên cao nhìn xuống, nắng vàng như ươm mật. Những đám ruộng nằm dọc theo con đường đang phủ một màu xanh. Rừng cây cũng bắt đầu thay áo. Tà Lài cho cô cảm giác bình yên nhưng lại phảng phất nỗi buồn.

Cả ngày rã rời, cô trở về với đêm, ngủ lại trong nhà K'Nang, một ngôi nhà cấp bốn không khác gì nhà của người dân ở nhiều nơi khác. Cũng mái tôn, tường xây, nền lát gạch. Cô đảo mắt nhìn quanh.

K'Nang chừng như hiểu ý, đẩy nhẹ cốc nước lá còn nghi ngút khói sang cho cô, rồi vội vàng giải thích:

- Bây giờ tìm mây tre nứa rất khó khăn, dựng nhà chưa tới chục năm đã phải làm lại cái mới; cũng không mấy người trẻ mặn mà với kiểu nhà truyền thống có năm, sáu gia đình cùng chung sống. Nên học cách của người miền xuôi, xé lẻ ra thành nhiều gia đình nhỏ và cũng xây nhà như họ.

Cô nghe, thấy lòng mình trĩu nặng. Ký ức về ngôi nhà được làm bằng gỗ, mái lợp lá kè, xung quanh che bằng phên nứa. Ngôi nhà có mái kéo dài gần sát đất, cửa thấp mà mỗi lần đi qua buộc phải cúi đầu; có nhiều bếp lửa nằm sát nhau, mỗi bếp lửa là của một gia đình nhỏ đang sinh sống. Rồi phần trung tâm ngôi nhà còn có bếp khách, chỉ dành để sưởi ấm và thực hiện những nghi thức cúng lễ. À, dọc theo vách sau là rất nhiều ché nữa. Không còn nhà dài, liệu rằng buôn có phải là buôn? Và những huyền tích về vùng đất này thông qua những câu chuyện của người Mạ có còn được lưu giữ?

***

Ba tháng trời ròng rã, cô hết vào rừng lại ra ngoài xã. Từ Nam Cát Tiên, Tà Lài cho đến Đắc Lua, cố gắng ghi chép lại những gì mình được nghe, được thấy một cách chi tiết nhất có thể. Đó là cơ sở quan trọng cho cô khi lập đề án "Phát triển du lịch cộng đồng bền vững cho vùng đệm Vườn quốc gia".

Hôm gặp gỡ giám đốc WWF, cô đề xuất về việc xây dựng thêm một số nhà dài ở trong buôn, để du khách có thể trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng vào rừng với người bản địa. Từ đó khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan trên cơ sở bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Ông giám đốc hồ hởi, đó là một hướng đi mở, có nhiều khả năng nhưng cần nâng cao năng lực của người dân vùng đệm thông qua đào tạo, cũng như sự hỗ trợ từ chính quyền và các công ty lữ hành nữa. Cô gật đầu, nhận trách nhiệm làm đầu mối liên lạc giữa các bên cho đến khi nào dự án hoàn thành.

Mùa xuân. Trong cái rét căm căm của sáng sớm nhưng trên những cánh đồng vẫn luôn nhộn nhịp. Người Mạ, S'Tiêng đang cặm cụi thu hoạch những bông lúa vàng lúc lỉu của vụ mùa đông xuân, chờ đón tết. K'Nang vẫn đồng hành với cô qua những nẻo đường. Có lần, khi đang ngồi cùng cô, bất chợt K'Nang quay đầu lại hỏi:

- Rồi khi xong dự án, chị Hà còn quay trở lại nơi đây không?

Cô đùa:

- Khi nào cậu còn chở thì tôi còn trở lại.

Cậu trai trẻ ngại ngùng quay mặt đi hướng khác khiến cô vừa buồn cười, vừa có cảm giác khác lạ bên trong. Không lẽ… Cô lắc đầu cố xua đi ý nghĩ mới thoáng qua.

***

Đêm nay, ánh trăng sáng vằng vặc nhảy múa giữa núi rừng. Đêm nay, Tà Lài mở hội khi có thêm một ngôi nhà dài được hoàn thành trong buôn.

Già K'Rư làm các nghi lễ cúng thần nhà. Ché rượu cần, cơm lam được đem ra cho mọi người thưởng lãm. Trước mặt cô lúc này, giữa ánh lửa cháy bập bùng cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn bầu đang vang lên rộn rã là đôi mắt của K'Nang. Cô thấy mặt mình nóng ran. Cô còn ở đây và K'Nang vẫn sẽ ở đây. Nhưng cô sẽ không kể cho K'Nang giấc mơ lạ lùng mà mình vừa mới gặp. Giấc mơ không có Lâm mà là một cậu trai trẻ nắm lấy tay cô đứng trên mỏm đá ở ghềnh Bến Cự nhìn dòng sông tung bọt, chim rừng đang hót, còn cây rừng nối tiếp nhau trải dài xanh tầm mắt…

---------------

(*) Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên.

Tiếng gọi của rừng - Truyện ngắn dự thi của Nam Giang (Bà Rịa - Vũng Tàu)- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.