Tôi cũng mỉm cười chào nó như chào bạn cũ. Con kè kè này là bạn cũ của tôi. Có điều, nếu là hồi nhỏ thì tôi sẽ không chào nó rồi đi mà phải tìm cách bắt được nó để chơi. Mà con vật hiền lành bên vườn nhà này có nhiều tên gọi lắm: kè kè, ké ké hay cả tắc kè nữa. Nhưng nó không phải là con tắc kè núi vì thân nó nhỏ hơn, da xù xì hơn và không biết kêu hoặc là kêu rất nhỏ chẳng thể nghe thấy được...
Kè kè rất hiền và cũng khá chậm chạp nên hay bị bắt về chơi. Mà tuổi thơ tôi và chúng bạn ở quê có con chi mà không bắt, trái chi mà không hái. Từ ếch nhái, chuồn chuồn, châu chấu, chim chuột đến rắn cũng bắt tuốt miễn là có trò để chơi. Bắt được con kè kè trong vườn, làm nhà cho nó ở xong là chạy xuống cánh đồng bắt châu chấu, chuồn chuồn cho nó ăn. Mà châu chấu có nhiều loại: châu chấu ma, châu chấu thành và đẹp nhất là con châu chấu cui. Loài châu chấu này to nhất trong các loài châu chấu, có cái đầu hình vuông nhìn rất dũng mãnh. Bắt được châu chấu cui tất nhiên chúng tôi sẽ nuôi nó, cho chúng đấu nhau.
Đó là chuyện bắt mấy con vật để chơi, tuổi thơ làng còn có những lúc xuống bờ ruộng mò cua, bắt ốc, cuốc mồi cho gà vịt ăn. Khi đàn gà vịt còn lông tơ, món ưa thích của chúng là giun đất mà quê tôi gọi là con trùn hay con mồi. Những ngày nghỉ hè, con nít xóm tôi đứa mô cũng vác một cái cuốc con, thêm cái gáo dừa được tra thêm cái cán bằng tre để đi xuống những vồng đất đang chờ chuyển vụ cuốc mồi cho vịt ăn. Cuốc chừng một tiếng đồng hồ là đầy cái gáo dừa con mồi. Về nhà đổ xuống sân, đàn gà vịt đánh hơi lao tới tranh nhau thoáng chốc là xong. Chúng ăn mồi căng điều thì tìm chỗ mát để ngủ...
Bạn gửi mấy tấm ảnh chụp lũ chàng hiu bên hàng rào nhà và nói thêm: "Trời mưa dài trái mùa. Chúng kêu suốt đêm làm mình không ngủ được vì nhớ quê!". Chàng hiu, chàng hương hay chẫu chàng là tên gọi của loài vật thuộc họ ếch nhái này. Chúng là một loài vật hiền lành. Nhưng hồi nhỏ tôi lại rất sợ chúng vì nghe mấy đứa bạn nói rằng loài vật này còn gọi là con hót cổ. Loạng quạng đi ra vườn một mình vào ban đêm nó sẽ nhảy xuống bám vào cổ hót cho đến chết.
|
Chàng hiu sống ở khắp nơi từ lùm cây bụi cỏ đến ao tù hay đồng ruộng. Để thích nghi với môi trường sống và tự vệ, chúng thường thay đổi màu da. Ở ao bèo thì màu xanh, ở bụi nè thì màu nâu, có khi nó chuyển thành màu trắng xanh khi bám vào những tàu lá chuối non.
Hồi đó ở làng tôi chẳng ai bắt chàng hiu làm chi. Nhưng khi lấy que chọc nó thì nó làm một cú phi thân rất ngoạn mục phải đến 2, 3 mét và re một dòng nước tiểu để tự vệ...
Nhưng nhớ chàng hiu là nhớ về tiếng kêu của nó. Trời chập choạng là nó cất tiếng kêu cho đến sáng sớm hôm sau. Tiếng kêu của chàng hiu không trong, không đục mà nghe rất rõ rành: "quạch... quạch... quạch...". Chúng kêu khắp nơi và kêu quanh năm suốt tháng. Tất nhiên tiếng kêu của chàng hiu phải hòa cùng giọng trầm của ếch, giọng réo rắt của dế, giọng ri rỉ châu chấu và những đêm hè còn nghe tiếng kêu nỉ non như cứa vào lòng người của con chim cuốc ngoài bờ ao...
Bạn tôi nói rằng, tiếng kêu của chàng hiu cũng là tiếng gọi tình của loài vật này. Nhưng tiếng gọi tình của chàng hiu không thống thiết bằng loài ễnh ương mà theo cách gọi của người Huế là con ệnh oạng. Con ệnh oạng nấp kín trong cỏ cây chỉ xuất hiện và cất tiếng kêu sau một trận mưa to và dài. Chúng gọi nhau suốt đêm, con kêu "ệnh" con đáp "oạng". Tiếng kêu của con ệnh oạng to hơn cả tiếng mưa và tất cả các loài vật khác, mưa càng to chúng kêu càng nhiều. Cả dàn âm thanh của muôn loài dường như làm bè trầm cho cuộc tỏ tình của ệnh oạng. Tiếng ệnh oạng cũng là thanh âm báo mùa mưa dài xứ Huế đang về.
Tiếng ệnh oạng đêm mưa dài còn là nỗi nhớ của những người Huế xa quê. Nữ văn sĩ cố đô Túy Hồng đã từng viết về nỗi nhớ đó: "Bỏ Huế mà đi lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ vũng nước đọng bên đường đến lượng cỏ non Hương Giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục... Những đêm mùa đông, con ệnh oạng kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống... kêu chi mà khổ mà trầm thống!...".
|
Bình luận (0)