Những lúc ấy, xạc xào oằn oại những tán cây ven đường. Quán xá lướt thướt ánh điện hắt ra mờ bóng người đi kẻ về. Trong cuộc mưu sinh vất vả với đời sống đang hồi khó khăn, những người phải ngược xuôi khắp nẻo Sài thành gánh gồng trận mưa đêm giữa bộn bề toan tính. Trên chiếc xe ôm công nghệ chở tôi về nhà, cậu sinh viên kéo lại vạt áo mưa tránh gió tạt, nói "mùa này chạy xe cực lắm chú, nắng mưa thất thường, lại phải tránh những con đường hay bị kẹt xe ngập nước". Tôi hỏi, trong tiếng mưa: "Vậy mùa nào chạy xe cảm thấy "có hứng" hơn?". Cậu ta trả lời: "Dạ, là mùa từ dịp Noel đến tết. Lúc ấy ra đường nhìn ai cũng có vẻ tất bật nhưng vui. Chạy xe như tụi con, khi khách vui là thường được thưởng".
Chợt nhớ những cơn mưa ngày xưa cũ ở miền Trung. Có nhiều hôm trắng xóa đất trời. Ở quê có câu "tháng bảy nước chảy quanh hè", lúc mây xám vần vũ là có mưa to và dai. Trên đường đến trường, mỗi tháng vài lần lụt lội có khi nước dâng lên khoảng đầu gối, còn ở các vùng thấp trũng, bạn bè không thể đi học được, nên trong lớp vắng quá nửa. Sau mỗi cơn mưa đêm dai dẳng, lá ở những lũy tre già trên con đường làng rụng tơi tả đậu xuống mọi nẻo. Lát cắt kỷ niệm ấy như thước phim hồi tưởng mỗi lúc mưa về, khi đêm xuống.
Một hôm, có người bạn xứ Bắc gửi tin nhắn rằng "năm nay ông bà Ngâu khóc sớm", bởi ngay từ những ngày cuối tháng sáu âm lịch đã mưa. Mưa như nôn nả để vợ chồng Ngâu sớm được gặp trên cầu Ô, nên nhiều nơi vùng trũng bị lụt, miệt thượng du thì sạt lở. Chợt nhớ câu ca truyền miệng thuở nào: "Đồn rằng tháng bảy mưa ngâu. Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".
Sau này, không chỉ trong dân gian, mà cả trong văn chương, âm nhạc, nhiều nhà văn, nhạc sĩ cũng đưa vào tác phẩm những dòng mô tả trời đất buổi chớm thu. Tỉ như, nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn trong bộ tiểu thuyết Hồn quê xuất bản năm 1943, viết về tiết ngâu ở xứ quê nhà Bắc Ninh, có đoạn về một năm ít mưa: "Tháng bảy qua, tháng bảy mà mọi năm mưa ngâu nhiều, nước tràn bờ trên xuống ruộng dưới. Năm nay ông Ngâu bà Ngâu ý chừng ít thương nhau nên không khóc mấy. Hôm mùng 7 tuy có mưa nhưng không thấm lỗ nẻ ngoài đồng ruộng, rồi suốt tháng tám mây giăng thẳm…". Ý nhà văn mô tả chuyện thường mọi năm người nông phu cấy trước chờ mưa, nhưng năm ấy thời tiết tréo ngoe, vẫn nắng nên cây lúa oặt oẹo không lên nổi. Rồi khi mưa xuống muộn, họ phải ra đồng ươm mạ và cấy lại một lứa nữa, gọi là "cấy tái giá", ngồi trông chờ dù biết trước là sẽ thất mùa.
Hay như người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Đặng Thế Phong, từng để lại cho đời ba bản nhạc về mùa thu bất hủ (Đêm thu, Giọt mưa thu và Con thuyền không bến), đã cảm xúc xuất thần mà viết thành mấy câu: "Gió xa xôi vẫn về, mưa giăng mù lê thê. Đến bao năm nữa trời, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu…" trong bản Giọt mưa thu, lặng lẽ mà nghe như than thở xáo động cả hồn!
Trời đất mỗi mùa mỗi nơi mỗi khác, nhưng tiếng mưa đêm khi trời đất vào thu, dù ở nơi nào có lẽ cũng khiến người ta nghe nôn nao, khắc khoải!
Bình luận (0)