Tiếng Việt trên đất Thái - Kỳ 2: Bị tù đày vẫn giữ tiếng mẹ đẻ

27/04/2012 03:06 GMT+7

Mặc dù từng bị chính quyền Thái Lan o ép nhưng người Việt vẫn kiên quyết giữ tiếng mẹ đẻ. Nơi nào cộng đồng người Việt tập trung sinh sống, nơi đó có lớp dạy tiếng Việt.


Ngoài ngôn ngữ, người Việt và Thái còn tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa Việt Nam - Ảnh: Minh Quang

Lén lút truyền bá hồn dân tộc

Anh Nguyễn Thùy, một trong những giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên dạy tiếng Việt tích cực nhất cho cộng đồng ở Thái Lan, cho biết thời trước việc dạy tiếng Việt vô cùng gian nan vì luôn bị chính quyền cấm đoán. Chính quyền Thái Lan lúc ấy muốn gây khó khăn cho người Việt tại Thái nhằm chặn sự giúp đỡ của họ đối với hoạt động đấu tranh trong nước. Vì không có trường lớp nên việc dạy và học chủ yếu được tổ chức lén lút ở nhà dân và phải đổi chỗ thường xuyên.

 

Ngôn ngữ Việt ở khách sạn 5 sao

Giữa tháng 3.2012, một đám cưới được tổ chức ở khách sạn 5 sao Grand Hyatt Erawan, khu Ratchaprasong, trung tâm Bangkok. Hai dãy bàn được sắp xếp riêng biệt dành cho khách mời của họ nhà trai và họ nhà gái. Bên dãy bàn dành cho họ nhà gái, người ta thấy những vị khách mời nói cười rôm rả không phải bằng tiếng Thái mà bằng tiếng Việt. Trong đó có một vị khách là anh Nguyễn Thùy được nhiều người biết đến. Anh Thùy kể lại, ngay trước khách sạn Grand Hyatt Erawan này cách đây hơn 40 năm, anh và bạn bè đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối chuyện bức hiếp người Việt, kể cả chuyện cấm đoán học tiếng Việt của chính quyền Thái Lan thời kỳ đó.

Học sinh đi học phải giấu tập, sách trong người, không được đi theo đoàn, theo nhóm mà phải đi riêng lẻ. Mỗi lớp học không quá 7 học sinh, lớp đông thì chia thành nhiều ca. Anh Thùy giải thích luật của Thái Lan thời kỳ đó không cho phép tụ tập đông người. Dù dưới 7 người nhưng lớp học vẫn có thể bị bắt, vì vậy luôn có người gác bên ngoài để khi thấy cảnh sát sẽ ra ám hiệu cho mọi người tẩu tán. Thầy trò dạy và học trong sự lo sợ nhưng không ai nản chí, không ai từ bỏ ý định truyền bá, tiếp nhận tiếng Việt và văn hóa Việt.

Lớp học tiếng Việt được duy trì theo kiểu “đánh du kích” như vậy trong thời gian khá dài. Người học trước dạy người sau, học theo chương trình giảng dạy tương tự trong nước. Ông Thái Mạnh Hùng, năm nay 61 tuổi, cũng là cựu giáo viên, cho biết dù bị chèn ép nhưng tinh thần giữ gìn tiếng Việt của cộng đồng người Việt thời kỳ đó lên rất cao do được truyền lửa từ phong trào cách mạng trong nước. Dạy và học tiếng Việt là niềm tự hào, là sự hãnh diện của rất nhiều người Việt. “Gia đình nào có người làm thầy hay có người học tiếng Việt rất được cộng đồng kính trọng”, ông Hùng tâm sự. Ông Hùng đi dạy từ năm 17 tuổi khi vẫn còn đang học. Ông đi khắp làng khắp xã, những nơi có cộng đồng để truyền thụ tiếng Việt. Ông không nhớ đã đến bao nhiêu làng xã, dạy bao nhiêu lớp cho kiều bào, chỉ biết rằng ông làm công việc giảng dạy hơn 30 năm không mệt mỏi.

Vào, ra khám vì dạy chữ

Nhiều người bị ngồi tù chỉ vì tội dạy lậu tiếng Việt. Chị Trần Ánh Tuyết ở Pathum Thani đã từng bị nhốt trong trại giam cùng một nhóm bạn bè giáo viên vì tổ chức dạy tiếng Việt không xin phép. Chị nhớ lại, một buổi sáng sau khi đã xong một tuần dạy học, chị và hơn 20 giáo viên khác tổ chức họp đánh giá công tác giảng dạy của nhóm. “Lúc đó tôi đang đứng phát biểu thì cảnh sát ập vào từ nhiều ngả. Vì quá bất ngờ nên mọi người chạy tán loạn. Có người trốn thoát, có người bị giữ lại, trong đó có tôi. Khi bắt, họ hỏi chúng tôi rất nhiều, tại sao dạy tiếng Việt, dạy cái gì, cho ai... Họ truy vấn hơn 2 tiếng đồng hồ, rồi đưa chúng tôi về đồn thẩm vấn tiếp, riêng lẻ từng người. Sau đó họ nhốt chúng tôi vào phòng giam, không cho tiếp xúc bên ngoài”, chị Tuyết kể. Chị nói mọi người rất sợ nhưng tự nhủ không làm gì sai và động viên nhau rằng việc làm đó cũng là yêu nước. Sau khi điều tra thấy mọi người không thuộc thành phần kích động, không làm gì ảnh hưởng đến an ninh của Thái Lan nên cảnh sát thả tất cả ra với yêu cầu có người bảo lãnh và nộp phạt.

Phần đông người Việt trong thời kỳ này nói và đọc được tiếng Việt nhờ những phong trào như thế. Lớp học được tổ chức khắp các nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, kể cả ở Bangkok. Tuy nhiên, do chính sách o ép cũng như sự phân biệt đối xử của chính phủ Thái Lan, dần dà phong trào dạy tiếng Việt suy giảm dần, nhất là sau năm 1975. Để được yên thân trên đất Thái, nhiều người phủ nhận có gốc Việt. Bố mẹ làm khai sinh cho con lấy tên họ của người Thái, để đứa trẻ sinh ra có quốc tịch Thái và hưởng quyền công dân như người bản địa. Phần lớn người Việt sinh sau 1975 đều mang họ Thái Lan hoặc làm con nuôi của gia đình người Thái.

MInh Quang (Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.