Bản sao cuốn Trú vĩnh biên đang được lưu giữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - Ảnh do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cung cấp |
Ngày 3.6, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết tư liệu sớm nhất đề cập sự có mặt của người Triều Tiên ở Hội An và xứ Đàng Trong từ thế kỷ 17 vừa được tìm thấy, đó là cuốn sử của triều đình phong kiến Triều Tiên mang tên Trú vĩnh biên.
Trú vĩnh biên ghi lại câu chuyện vào tháng 10 năm Đinh Mão (1687), một số người dân đảo Tế Châu (Triều Tiên) trên đường làm nhiệm vụ bằng thuyền đã bị bão đánh dạt đến một địa phương xa lạ, mà sau này họ xác định là Hội An. Nạn nhân được những cư dân địa phương cứu giúp, cho nước uống, lương thực và đưa vào trình diện quan sở tại. Nơi thuyền bè bị dạt vào chính là Cù Lao Chàm, Hội An.
Tư liệu viết: “Lúc đó, gió lớn lại nổi lên, phải khó khăn lắm những người dân địa phương mới đưa họ lên được bờ. Tất cả được dẫn vào làng thuộc phủ Minh Đức, quận Hội An, được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng đuôi lông ngựa”. Sau cuộc tiếp xúc đó, những người Tế Châu gồm 24 người được đưa trở lại hòn đảo mà họ đã đến lúc đầu, tức Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp ngày nay).
Cũng theo ghi chép này, sau gần 10 tháng ở lại Hội An, đến tháng 7.1688 những người Triều Tiên bị nạn đã được lên thuyền về nước sau gần nửa năm lênh đênh trên biển. Giai đoạn này, họ nhận được sự giúp đỡ từ một thương nhân; đặc biệt là sự bảo hộ của triều đình chúa Nguyễn khi ban cho 600 lạng bạc và cử Minh Đức hầu làm thư gửi chính quyền phong kiến Triều Tiên thông báo sự việc xảy ra.
Hiện bản sao tài liệu này đang lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
Theo nghiên cứu của ông Trần Văn An - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Trú vĩnh biên thuộc loại tư liệu nói về tàu thuyền các nước bị tai nạn khi đi lại trên biển và phiêu dạt đến Việt Nam, trong đó có Hội An.
Những tư liệu này chứa đựng nhiều thông tin thú vị liên quan đến đất đai, phong thổ, sinh hoạt văn hóa của vùng đất mà những thương nhân đặt chân đến.
Trong số các tác phẩm cùng loại (như Hải Nam tạp trứ của Trung Quốc; Dị quốc phiêu đãng ký văn, An Nam quốc giang phong tục tả sinh đồ của Nhật Bản) thì Trú vĩnh biên được xem là một tư liệu sớm nhất đề cập đến sự có mặt của người Triều Tiên ở Hội An, Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung.
>> Đêm Hội An vào top 20 địa điểm trải nghiệm thú vị trên thế giới
>> Đêm rằm Hội An xếp thứ 15 trong các địa điểm thú vị trên thế giới
>> Lần đầu tiên tìm thấy bản hương ước Việt tại Hội An
>> Hội An lọt vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất VN
>> Hội An chấn chỉnh du lịch lưu trú
Bình luận (0)