Tiếp sức đọc sách cho người trẻ

26/06/2020 06:17 GMT+7

Phải qua hàng chục năm mới xây dựng được một thế hệ độc giả. Và điều này phải được làm khi độc giả tiềm năng đang còn trẻ.

Tủ sách của lớp

Tủ sách của lớp là tên của dự án thúc đẩy đọc sách trong lớp 7A2 Trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Ở đó, giáo viên chủ nhiệm Lê Thu Hà đề nghị mỗi học trò mang tới lớp ít nhất một cuốn sách hay. Các em cũng viết lời giới thiệu vì sao mình mang cuốn đó tới lớp. Ngô Nguyễn Thiên An đã mang cuốn sách Einstein và vũ trụ giãn nở đến lớp, và viết trong đó: “Đây là một quyển sách có nhiều kiến thức khoa học và về cuộc đời của Einstein, được kể rất dễ nhớ, dễ hiểu”. Sau đó, Thiên An chọn một cuốn tiểu thuyết trinh thám trong tủ sách của lớp mang về. Trong đó, bạn Nguyễn Khánh Vy ghi: “Đây là một cuốn sách có chiều sâu tâm lý”.
“Kho sách ở lớp hiện có 100 cuốn. Các bạn thay nhau đổi sách. Lời giới thiệu sách cũng được ghi lại nhiều, chẳng hạn: đây là cuốn sách có cốt truyện ly kỳ, sách mang đến bài học gì khi đọc, hoặc có bạn chỉ ghi đơn giản: sách này rất hay”, cô Hà nói.
Cô cũng cho biết học sinh đọc sách nhiều hơn khi có tủ sách: “Các em đọc vào giờ ra chơi, khi hết tiết, hoặc cả khi thi xong. Có bạn làm bài xong chỉ mất 30 phút thôi thì có thể lấy sách ra đọc. Sau dịch Covid-19, các bạn cũng đọc sách nhiều hơn và hình thành thói quen rõ rệt”. Theo cô Hà, các loại sách học sinh đọc cũng đa dạng: Truyện Nguyễn Nhật Ánh có, sách tìm hiểu nghệ thuật có, truyện tranh, sách kỹ năng sống, sách văn học, rồi sách hướng dẫn làm đồ dùng vật dụng hằng ngày, truyện trinh thám, truyện ma...
Tiếp sức đọc sách cho người trẻ1

Những bài điểm sách xuất hiện đều đặn trên fanpage của NXB Kim Đồng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tạo nhóm cho đọc sách

Chủ động tạo ra những nhóm đọc sách là cách thức nhiều người chọn để phát triển văn hóa đọc, các nhà xuất bản (NXB) cũng chủ động tạo hoạt động nuôi dưỡng nhóm đọc sách như vậy.
NXB Kim Đồng có fanpage mang tên Sách văn học Kim Đồng. Hằng tháng, fanpage có cuộc thi viết điểm sách với giải thưởng là những cuốn sách hay. Các bình luận thường ngắn gọn, mang cảm xúc cá nhân. Chẳng hạn, Hoàng Thu Anh viết về Cây bàng không rụng lá của nhà văn Phong Thu: “Cuốn sách là con đường dẫn lối cho những ai đã từng là trẻ con như bạn, như tôi tìm về với tuổi thơ của mình. Dù chúng ta có đi lạc, thì cũng là lạc trong những hồi ức ngọt ngào”…

Nếu tạo được thói quen đọc sách trong 12 năm học phổ thông thì học sinh có phông nền còn tốt hơn sinh viên đại học. Vấn đề là sắp xếp thời gian đọc và quan niệm trong nhà trường

Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

CLB Đọc sách cùng con của TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh lại có những buổi đọc sách vào ngày nghỉ cuối tuần cùng các con. Trại hè của chị còn có cuộc thi đọc sách “Giọng đọc sởn gai ốc” để tìm kiếm những cô bé, cậu bé thật biểu cảm khi đọc truyện. Mới đây, trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, chị tổ chức làm dự án Sách ru. Cứ mỗi tối, các cô các chú trong dự án lại lên mạng đọc sách cho các con nghe để nối dài thói quen đọc sách. Các clip Sách ru đều có trên kênh YouTube của CLB. NXB Kim Đồng cũng hỗ trợ sách cho CLB Đọc sách cùng con.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại duy trì một phòng đọc nhỏ với Thư viện Ơ kìa Hà Nội (tại 639/39/39 Hoàng Hoa Thám, Q.Ba Đình, Hà Nội). Nhiều nhà văn, nhà thơ khi ra sách đều tặng thư viện. Độc giả tới không gian Ơ kìa Hà Nội sẽ được đọc sách miễn phí. Các buổi sinh hoạt giới thiệu sách cũng được tổ chức đều đặn tại đây.
Tiếp sức đọc sách cho người trẻ2

Kênh Sách ru trên YouTube của CLB Đọc sách cùng con

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Khuyến đọc

Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng hiện nay cũng tùy trường mà có hay không việc khuyến khích đọc sách. “Có trường làm tốt như Trường Đông Bắc Ga ở Thanh Hóa chẳng hạn. Họ tổ chức giao lưu độc giả với diễn giả, dịch giả, tác giả sách. Họ cũng có những CLB sách cho trẻ em. Có các hoạt động sách thường kỳ như triển lãm sách hay sinh hoạt thường xuyên. Có tiết đọc sách trong thư viện do thủ thư đọc cho học sinh lớp 1 nghe, học sinh các lớp lớn tự đọc”, ông Vương nói và cho biết thêm: “Cái này là trường tự làm, còn khi Sở chỉ đạo thì lại rất dễ rơi vào phong trào”.
Cũng theo ông Vương, việc tổ chức đọc sách cho người trẻ như thế này, nếu lớp kết hợp tốt với phụ huynh thì rất hiệu quả. “Phụ huynh có thể mua tặng sách cho thư viện, hoặc tạo điều kiện đưa đón con đến thư viện. Cần nhất là phụ huynh dành thời gian cho con”, ông Vương nói.
Về phía trường học, điều quan trọng nhất để thúc đẩy người trẻ đọc sách là thư viện và giáo viên chủ nhiệm. “Việc này phụ thuộc vào việc thư viện hoặc giáo viên chủ nhiệm có nhiệt tình hay không. Họ có thể làm tủ sách ở lớp cho các con đọc, họ tạo luân chuyển sách thường xuyên. Như thế mới có sách mới để các cháu được đổi liên tục, vì trẻ con đọc nhanh hết sách lắm”, ông Vương nhận định và nhấn mạnh: “Nếu tạo được thói quen đọc sách trong 12 năm học phổ thông thì học sinh có phông nền còn tốt hơn sinh viên đại học. Vấn đề là sắp xếp thời gian đọc và quan niệm trong nhà trường”.
Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Công ty Nhã Nam, cho biết điều cốt yếu để phát triển văn hóa đọc là việc đọc phải được xây dựng trong nhà trường. “Phải mất mấy chục năm vun trồng mới có được một thế hệ đọc. Muốn gầy dựng văn hóa đọc phải gầy dựng từ nhỏ, từ thế hệ học sinh. Cần có những quy định khuyến đọc trong nhà trường, nó phải cơ bản từng bước đi như vậy”, ông Giang nói.
“Đề án văn hóa đọc từ mục tiêu đã xác định phải đặc biệt chú ý phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên, phát triển thế hệ đọc tương lai. Những năm gần đây, chúng tôi đặt vấn đề phát triển văn hóa đọc gắn với tự học. Đọc sách là kênh học tập quan trọng. Trong các tuần lễ học tập suốt đời của Bộ GD-ĐT cũng đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời. Hình thành thói quen đọc sách cũng là hình thành thói quen học tập suốt đời. Thế giới giờ có những sách tạo hình nổi, có sách phát âm thanh nên văn hóa đọc đã tích hợp được nghe nhìn, làm văn hóa đọc đa dạng hơn”.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.