Đại học khác với bậc THPT
Là sinh viên 3 năm liền có điểm trung bình trên 8.0, Nguyễn Đình Khải, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Khi học bậc THPT, mình từng nghe nói lên đại học sẽ nhàn lắm, nhưng nhìn lại quãng đường dài ở đây, mình nhận ra kiến thức đại học khó hơn với những gì mình được học trước kia. Mỗi kỳ thi, khối lượng kiến thức cần ôn tập thật sự rất nhiều".
Do chưa thể làm quen với môi trường đại học, ngay từ năm nhất, Võ Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã phải học lại một môn chuyên ngành.
Tuấn Anh kể: "Mình đã thi trượt môn hóa phân tích do chủ quan đến cuối kỳ các giảng viên sẽ cho đề cương về nhà học như bậc THPT, mình phải đóng tiền học cải thiện cho môn này. Cú sốc đó làm mình phải gấp rút tự tìm cách học khác hiệu quả hơn để không phải học lại nữa, mình mong các tân sinh viên sẽ không như mình, hãy bước vào giảng đường với tâm thế học hết sức và tìm hiểu thật kỹ phương pháp học phù hợp, để không phải trượt môn, tránh lãng phí thời gian cũng như tiền bạc của các bạn".
Thạc sĩ Nguyễn A Say, giảng viên Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM, cho biết bậc đại học và bậc THPT có rất nhiều sự khác biệt, mà các tân sinh viên cần nắm, tìm hiểu để tránh bỡ ngỡ trong giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ quan trọng này.
Theo thạc sĩ Nguyễn A Say, tân sinh viên phải tự sắp xếp thời gian biểu cá nhân để tìm hiểu tài liệu, trao đổi thảo luận với giảng viên tại lớp học. Từ đó, họ sẽ hướng dẫn những kỹ năng, phương pháp để tự chiếm lĩnh kiến thức, cung cấp những vấn đề cốt lõi, mang tính định hướng, giúp sinh viên biết cách tự đánh giá việc học. Hơn nữa, các em phải tự lĩnh hội kiến thức qua quá trình tự học. Ở đại học, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng, như: thi (tự luận, tổng hợp, trắc nghiệm), vấn đáp, tiểu luận, bài tập lớn, đề án.
"Việc đăng ký học phần, sắp xếp thời khóa biểu cũng do chính sinh viên thực hiện. Điều này cũng yêu cầu các em phải có phương pháp quản lý thời gian, sắp xếp công việc một cách khoa học. Ngoài ra sinh viên sẽ phải làm quen với việc học tập ở nhiều cơ sở khác nhau, điều này ít gặp ở bậc THPT khi các em chỉ học tại một cơ sở duy nhất", thạc sĩ Nguyễn A Say nói.
Phương pháp học tập hiệu quả
Nhận được việc làm tại một ngân hàng lớn ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Nhật Đức Minh, thủ khoa đầu ra Học viện Ngân hàng (Hà Nội) năm 2024, chia sẻ: "Lúc nào học cũng cần có chiến lược, do bản thân bị ảnh hưởng bởi triết lý bóng đá. Nếu như bạn muốn đạt được chức vô địch, thì bạn không cần phải lúc nào cũng nghĩ đến nó, thứ bạn cần nghĩ đến là làm thế nào để giành chiến thắng trong từng trận đấu và khi bạn giành chiến thắng trong tất cả trận đấu thì đương nhiên bạn là nhà vô địch. Do vậy, mình luôn vạch rõ những mục tiêu nhỏ trong từng giai đoạn học để làm sao không bị quá tải trước lượng kiến thức khổng lồ của các môn học", Minh nói.
Từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khi còn là sinh viên, Trần Tố Trang, thủ khoa đầu ra của ngành xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM vào năm 2023, mong rằng tân sinh viên ngoài việc học nên tham gia vào những hoạt động ngoại khóa để có thêm nhiều trải nghiệm, kiến thức và kỹ năng mềm. Điều này giúp các bạn hoàn thiện bản thân.
Theo thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, sinh viên giỏi không chỉ về điểm số - đây là tiêu chí quan trọng nhưng không phải tất cả. Giỏi ở đây bao hàm cả năng lực tư duy, khả năng thực hành, thái độ tích cực và trách nhiệm.
"Thực tế, vẫn có nhiều sinh viên có học lực khá nhưng doanh nghiệp, tổ chức vẫn tuyển dụng ngay vì họ có nhiều tố chất quan trọng khác. Cho nên, sinh viên đừng chỉ học cho điểm thật cao mà quên đi việc tích lũy năng lực thực hành, ứng dụng. Ngược lại, đừng chỉ lo tích lũy kỹ năng mà quên đi kiến thức chuyên môn. Cả hai điều này đều rất quan trọng", thạc sĩ Trần Nam khuyên.
Giảng viên Nguyễn A Say lưu ý: "Tân sinh viên cần chủ động tìm hiểu về phương pháp học đại học hiệu quả thông qua sách, báo, qua thầy cô, bạn bè, các anh chị khóa trên… từ đó tìm ra phương pháp phù hợp cho chính mình. Mỗi người sẽ có một phương pháp học khác nhau, và không có phương pháp nào là hoàn hảo, các em tránh bắt chước hay học theo một hình mẫu có sẵn mà cần chọn lọc, cần hiểu rõ chính mình, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để có thể áp dụng phương pháp học tập phù hợp và hiệu quả".
Bình luận (0)