Cuộc sống khởi sắc
Tổ chức tài chính vi mô CEP (trực thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM) gọi chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (P.16, Q.4) là "khách hàng" vì chị Hương vay tiền ở CEP.
Gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo. Chị kể, chồng mất sớm, chị đơn thân nuôi hai đứa con ăn học. Ngày trước, chị làm nghề xỏ chổi lông gà, rồi sau đó về làm tạp vụ ở UBND phường.
"Để có thêm đồng ra đồng vào, tôi lấy ít hàng về bán tạp hóa. Nhưng lúc đó bày mấy đồ linh tinh như trái cây, bánh tráng trộn… trước cửa nhà mà không có gì che, vì mình không có tiền làm. Lời cũng ba cọc ba đồng, có những ngày ế lắm", chị Hương kể.
Làm tạp vụ ở UBND phường, có lần trong năm 2009 nghe về chính sách vay vốn ở CEP, chị Hương trình bày hoàn cảnh, mong muốn có vốn thêm để mở rộng hàng bán tạp hóa. Sau đó chị được ưu tiên vay đợt đầu 5 triệu đồng. Rồi cứ vay thêm qua các đợt, tới nay chị vay 40 triệu đồng và trả lãi mỗi tháng.
Chị Hương chỉ khắp các mặt hàng ở tiệm tạp hóa của mình từ ngoài sân cho tới trong nhà. Từ ngày vay vốn, chị sửa lại mái nhà, lấy thêm hàng hóa cho đa dạng, từ trái cây, rau củ, đến bánh kẹo, gia vị…
Tổ chức tài chính vi mô CEP tiền thân là Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP), là tổ chức phi lợi nhuận, do Liên đoàn Lao động TP.HCM sáng lập và được UBND TP.HCM ra quyết định thành lập năm 1991.
Tới năm 2017 thì CEP chính thức có tên Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, hoạt động theo luật Các tổ chức tín dụng, cung cấp các sản phẩm tài chính và một số dịch vụ phát triển cộng đồng cho hộ nghèo, chủ yếu là tín dụng tạo thu nhập và việc làm.
Để tham gia vay vốn, công nhân có thể liên hệ với tổ chức công đoàn tại công ty hay liên hệ ban điều hành khu phố/ấp tại nơi ở hoặc liên hệ chi nhánh CEP gần nhất (như đối với lao động tự do) để được hỗ trợ.
"Ngày rằm tôi còn lấy thêm hoa về bán nữa. Nói chung mình lấy nhiều để không sợ ế. Cuộc sống cũng từng ngày khởi sắc hơn", chị Hương nói rồi trải lòng: "Hoàn cảnh mình vậy, nhiều lúc áp lực. Tôi cũng sợ con gái phải bỏ học giữa chừng. Nhưng bên CEP còn cấp học bổng hằng năm cho con gái út tôi nữa. Giờ cháu đang chuẩn bị thi đại học và cũng đam mê các hoạt động đoàn hội, tình nguyện lắm".
Chị Hương cảm ơn CEP, nhưng tôi thấy được chị hạnh phúc không phải chỉ vì có tiền, mà là chị có niềm tin về sự đồng hành trong xã hội. Ngày trước, đôi lần chị đã nghĩ mong muốn của mình xa tầm với, vì chị cho là những người nghèo như chị, không có bất cứ tài sản gì, sẽ rất khó vay ngân hàng.
"CEP đã đồng hành với tôi rất lâu rồi, cán bộ bên đó thỉnh thoảng ghé thăm gia đình. Giờ tôi chỉ mong mình đủ sức khỏe, cố gắng làm, con gái sau này có công việc ổn định", chị chia sẻ thêm.
"Vui vì có người nhớ mình, hỏi han mình"
Sau giờ tan ca, chị Tô Thị Ân (trọ ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, công nhân trong khu chế xuất Linh Trung II, TP.Thủ Đức) về phòng trọ chuẩn bị bữa cơm chiều. Chị Ân cũng là "khách hàng" của CEP, vay từ năm 2015 đến nay đã vòng thứ 2, lần vay gần nhất 15 triệu đồng.
Dáng người nhỏ, chị Ân nói lúc mới rời Hà Tĩnh vào TP.HCM, chị còm nhom hơn bây giờ nhiều; khi vào thử việc, công ty e dè lắm vì nhỏ con vậy, không biết có thể làm được hay không. Rồi 20 năm ngót nghét qua đi trong nhà máy, cũng là 20 năm chị chưa về quê dịp tết.
Chị Ân kể lương công nhân của mình được 9 triệu đồng/tháng, còn chồng chị đang cắt tóc trước cổng phòng trọ. Gia đình ráng nuôi 2 con nhỏ đang học tiểu học.
Dẫu có gói ghém cách mấy cũng không thấy dư, nên nhiều khi về quê đón tết với chị cũng là xa xỉ. Chỉ có mấy khi dịp hè, mấy đứa con nghỉ học, gia đình chị mới thu xếp cho con về thăm quê.
"Cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau, cộng thêm chuyện sau này chồng tôi bệnh, phải mổ não, nên chi phí điều trị tốn kém lắm. Gia đình chạy vạy khắp nơi, xoay được đồng nào hay đồng đó. Ban đầu tôi vay ở CEP để thuê chỗ cho chồng rửa xe, nhưng sau này chủ lấy lại mặt bằng, chồng tôi cũng không làm nặng được nên chuyển qua hớt tóc trước cửa khu trọ", chị Ân nói.
Chị Ân cũng chia sẻ thêm rằng chị không thấy đơn độc vì áp lực mưu sinh, bởi chị luôn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, tổ chức…
"Nhà hầu như lúc nào cũng không thiếu thực phẩm vì các tổ chức họ thương, tặng mình thường xuyên lắm. Bên CEP cũng trao học bổng cho 2 con tôi nữa. Với tôi, cuộc sống thì ai cũng làm, khó thì đành chấp nhận, nhưng mở máy nghe điện thoại của CEP hay của khu phố, hội phụ nữ, công đoàn… là tôi vui lắm. Vui vì có người nhớ mình, hỏi han mình", chị Ân chia sẻ.
Tiếp tục đồng hành
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc CEP chi nhánh Đông Sài Gòn, cho biết gia đình chị Ân là một trong 5 hộ mới đây được nhận "Bếp ấm" (trị giá 5 triệu đồng) - chương trình của Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM và CEP thực hiện. Đây chỉ là một trong những hoạt động chăm lo của CEP tới các khách hàng có hoàn cảnh khó khăn.
Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006, là cha đẻ của ngành tài chính vi mô hiện đại. Tín dụng vi mô được đánh giá là hình thức cho vay vì mục đích xã hội, mặt khác cũng được xem là "vũ khí" quan trọng để chống lại đói nghèo, bởi nó đáp ứng kịp thời nhu cầu của người nghèo (không cần thế chấp, xoay đồng vốn nhanh, lãi suất thấp…) và từ đó giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Riêng Tổ chức tài chính vi mô CEP đến nay đã hỗ trợ được hàng trăm ngàn người, giúp biết bao công nhân khó khăn thoát khỏi "bẫy tín dụng đen" và an tâm vượt khó trong cuộc sống.
Tuy nhiên tại VN, tài chính vi mô vẫn còn chưa phát triển mạnh như các nước trên thế giới, thay vào đó hoạt động chủ yếu dưới sự bảo đảm của các hội, đoàn thể. Chính vì vậy, không ít ý kiến của chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy phát triển loại hình này, đồng thời quan tâm hỗ trợ vốn các tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu của lao động nghèo, không để họ rơi vào "đường cùng" vì áp lực mưu sinh.
Theo ông Nam, CEP luôn kiên định mục tiêu tiếp tục đồng hành với công nhân và người lao động. Bên cạnh việc cho vay không cần thế chấp, lãi suất thấp, hỗ trợ công nhân nhập cư, CEP còn những hoạt động phát triển cộng đồng như hỗ trợ học bổng cho con khách hàng, chăm lo quà lễ tết hay chăm lo đột xuất…
"Tôi công tác ở CEP hơn 20 năm, đã gắn bó lâu thì chắc chắn tôi thấy công việc mình có ý nghĩa. Tôi đi lên từ nhân viên tín dụng, tiếp xúc với rất nhiều cảnh đời. Khi nhận được đồng vốn từ CEP với lãi suất thấp, công nhân lao động rất vui, vì họ tin là mình có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống, tinh thần. Có những người không còn vay ở đâu được hết, nhưng CEP cũng dám đi cùng với họ. Tôi luôn tâm niệm sẽ làm hết sức để cùng CEP hỗ trợ người cần giúp đỡ", ông Nam nói.
Bình luận (0)