Sau 5 ngày thực hiện triển khai các giải pháp để bảo đảm thuê bao di động đầy đủ, chính xác, các nhà mạng cho biết cơ bản đã gửi tin nhắn đến các khách hàng cần cập nhật thông tin. Song song đó, các nhà mạng vẫn tiếp tục cảnh báo tình trạng cuộc gọi lừa đảo "khóa thuê bao di động".
Cụ thể, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ khóa thuê bao di động và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Nếu thực hiện theo sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...
Chiêu lừa khóa thuê bao điện thoại này không phải là lần đầu xuất hiện. Giữa năm 2022, nhiều người dân tại TP.HCM đã nhận được các cuộc gọi giả mạo đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa sau 1 giờ hay 2 giờ vì đã sử dụng nhắn tin rác, cuộc gọi rác. Để giải quyết, khách hàng cần liên hệ số 999. Nếu làm theo sẽ nhận được yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số CMND... để hỗ trợ kỹ thuật.
Các chuyên gia an ninh mạng khẳng định chiêu lừa đảo này không mới, nhưng trong bối cảnh nhà mạng thực hiện cập nhật thông tin khách hàng khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý lo lắng và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người dùng dễ hoảng sợ và làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo.
Các nhà mạng nhấn mạnh, trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, khách hàng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng. Do đó, khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi thì khách hàng chưa nên vội làm theo mà nên đối chiếu thông tin lại với công bố của nhà mạng về đầu số nhắn tin hay gọi điện liên quan đến việc chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Hoặc người dùng có thể chủ động kiểm tra thuê bao điện thoại của mình đã chính chủ hay chưa bằng cách soạn tin nhắn "TTTB" gửi 1414. Nếu thông tin chưa chính xác, khách hàng có thể thực hiện các hình thức cập nhật thông tin phù hợp nhất tại các ứng dụng trên điện thoại di động, website hoặc ra cửa hàng trực tiếp của nhà mạng. Việc cập nhật lại thông tin thuê bao di động hoàn toàn miễn phí.
Bình luận (0)