Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về VN để quảng bá phát triển và hội nhập của VN.
Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh đến những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ VN với một quyết tâm to lớn thúc đẩy sản xuất để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (Internet of Things) và mong muốn được nghe Thủ tướng chia sẻ về quyết tâm này của Chính phủ VN.
Bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển kinh tế của các nước, trong đó có VN trong năm 2019, Thủ tướng khẳng định kinh tế VN sẽ nỗ lực để tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững và bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau; trong đó có đổi mới thể chế, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, VN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh sự kết hợp đầu tư trong nước và nước ngoài và chú trọng hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân.
Thủ tướng khẳng định VN sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm theo các trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, bởi đây là nền tảng quan trọng để yên lòng các nhà đầu tư; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; phát huy thế mạnh về du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Cùng với đó, VN sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà VN tham gia; tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực để phát huy tiềm năng sẵn có.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và phát triển kinh tế số, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Bên cạnh chuẩn bị thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng cho biết VN là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp tác với WEF thành lập Trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0.
Đề cập đến yêu cầu về phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ VN đặt ra yêu cầu “phát triển 3 trong 1” bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Ở VN không chỉ có kinh tế xã hội ổn định mà còn luôn giữ vững sự ổn định của môi trường, kinh tế vĩ mô. VN cũng đang thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, nhất là người trẻ để đáp ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende: “VN sẽ gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới”, Thủ tướng khẳng định, VN sẽ duy trì một tinh thần, khát vọng trong phát triển. Theo đó, trước hết là duy trì đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. VN sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn xây dựng pháp luật, thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tăng cường đối thoại. VN “coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ”, VN cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.
Cũng trong sáng 24.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc đối thoại với lãnh đạo gần 40 tập đoàn toàn cầu với nhiều thương hiệu trong top 500 doanh nghiệp toàn cầu và là những đối tác tin cậy của VN.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như Apple, Adidas, AB Inbev, Procter & Gamble, Carlsberg, Facebook và Sanofi.
Viettel vào top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giớiNgày 22.1, tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới, Brand Finance - nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Lần đầu tiên Viettel - thương hiệu VN tham gia danh sách này đạt thứ hạng 478 và mức định giá 4,316 tỉ USD. Danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới bao trùm tất cả các lĩnh vực: viễn thông, công nghệ, ô tô, dầu khí... với những cái tên lớn như Amazon, Apple, Google, Mercedes-Benz, Shell, Telstra... Viettel cũng là 1 trong 8 thương hiệu ASEAN lọt vào danh sách này. So với năm 2018, giá trị thương hiệu của Viettel tăng 35,8% tức hơn 1 tỉ USD. Trong lĩnh vực viễn thông nước ngoài, doanh thu dịch vụ của Viettel tăng trưởng 20%, thuê bao di động tăng trưởng gần 70% và dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD, cao hơn 3% so với 2017.
Mai Hà
|
Bình luận (0)