Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó vì Covid-19

22/02/2021 06:23 GMT+7

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, Bộ Tài chính mới đây đã tiếp tục đề xuất Chính phủ gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí năm 2021 cho doanh nghiệp.

Chính sách kịp thời, cần thiết

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là rất kịp thời, rất tốt cho DN, ít nhất trong thời điểm DN báo cáo thuế một phần năm trước và quý 1 đầu năm nay. TP.HCM hiện có khoảng 480.000 DN, năm 2020 thu ngân sách được hơn 371.000 tỉ đồng. Ông Dũng nhấn mạnh: Đợt bùng phát dịch kỳ này mặc dù không ảnh hưởng đến toàn quốc, song do TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên DN trên địa bàn lại tiếp tục bị ảnh hưởng do không có nguồn công nhân từ các tỉnh về kịp để tổ chức sản xuất cho những đơn hàng đầu năm. Bên cạnh đó, việc gia tăng các hoạt động giãn cách trong sản xuất, sinh hoạt, tăng khử khuẩn môi trường làm việc... cũng đẩy chi phí của DN tăng cao.
“Năm qua, tuy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch có tích cực nhưng rất khó khăn, DN đã vượt khó một cách chật vật. Thời điểm quý 1 bắt đầu phục hồi sản xuất, nên chăng, Chính phủ mạnh dạn kéo dài thời gian gia hạn thuế cho DN dài hơn, để giúp DN có thêm dòng tiền trong ngắn hạn, tập trung phục hồi sản xuất. Thực tế, với chính sách tài khóa hỗ trợ giãn thuế 3 - 5 tháng chưa giúp được nhiều cho DN, có thể tăng lên 2 quý, sự hỗ trợ sẽ có hiệu quả hơn”, ông Dũng đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính. Muốn cho DN “sống” lại ngay trong và sau dịch, phải tiếp tục giãn thuế, phí để DN có nguồn tiền mặt chi phí cho các khoản khác ngay từ đầu năm. Ông nói: “Việc giãn thuế, phí trong bối cảnh này là yếu tố cực kỳ tích cực, khi DN hoạt động tương đối ổn định, cơ quan thuế sẽ thu sau. Mặc dù ngân sách nhà nước đang khó khăn, nhưng việc chậm thu dăm ba tháng vẫn trong khả năng của chúng ta. Quan trọng là phải rà soát cắt giảm mạnh mẽ các chi tiêu không cần thiết, tự khắc ngân sách sẽ bớt gánh nặng bội chi, cho dù nguồn thu tạm ít trong thời gian. Cải cách, cắt giảm chi tiêu mới là quan trọng”.

Cắt giảm các khoản chi thừa, chồng chéo

Theo ông Chu Tiến Dũng, việc giãn thuế, phí là giải pháp ngắn hạn, động lực cho DN tăng tốc vẫn cải cách thể chế, cải thiện môi trường tư pháp kinh doanh. Các cơ quan quản lý vẫn còn đâu đó thái độ đùn đẩy trách nhiệm, một giấy phép cho DN làm nhà giết mổ theo quy hoạch của thành phố nhưng hết năm này tháng nọ vẫn chưa được cấp. UBND TP.HCM hỏi thì sở này tham vấn sở kia, sở kia lại tham vấn sở nọ. Chờ có ý kiến của các sở cũng một nội dung chung chung theo kiểu chờ ý kiến và quay lại từ đầu.
“Theo tôi, cải cách môi trường kinh doanh phải mạnh mẽ hơn nữa, theo phương châm mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp đầu năm thảo luận đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế theo Nghị quyết 10. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tôi nghĩ ý này rất quan trọng. Đâu đó trong khu vực DN nhà nước đã có tâm lý “chùn tay” trong quyết sách do ngại làm sai, bị hình sự hóa. Trong khi DN nhà nước đang chiếm gần 50% năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thế nên, cải cách tạo động lực phát triển tư nhân phải song song tạo động lực cho DN nhà nước nữa”, ông Dũng nói.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận xét, nhiều dự án của DN bị “ngâm lâu” vì lý do dịch bệnh, nhưng khi dịch bệnh kéo dài thế này, cơ quan quản lý phải tăng tốc tháo gỡ cho DN chứ không thể lấy đó làm lý do trì hoãn. Mới đây, chính Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh nhiều DN phản ánh bị “ngâm” hồ sơ quá lâu, tình trạng lấy ý kiến các sở liên ngành quá lâu. Quy định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 10 ngày nhưng Sở KH-ĐT hẹn đến 30 ngày. Nhiều ý kiến đề nghị phải có chế tài thật mạnh công chức làm khó DN.

Có 4 loại thuế, phí tiếp tục được đề xuất gia hạn

Theo đề xuất, có 4 loại thuế, phí tiếp tục được gia hạn từ 3 - 5 tháng trong năm nay gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế thuê đất.
Trong đó, thuế giá trị gia tăng dự kiến được gia hạn thời gian nộp 5 tháng với số tiền ước tính hơn 68.800 tỉ đồng; thuế thu nhập DN được gia hạn nộp 3 tháng ước hơn 40.500 tỉ đồng; thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn khoảng 1.300 tỉ đồng; thuế đất khoảng 4.400 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền thuế, phí được gia hạn lần 3 này ước lên đến 115.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng khẳng định, số tiền thuế phí này sẽ được thực hiện nộp vào cuối năm nay nên số thu ngân sách của năm 2021 vẫn sẽ không giảm.
Ông Lê Đăng Doanh bổ sung: “Đây là cơ hội cho chúng ta tái cơ cấu ngân sách, cắt bỏ mạnh mẽ các chi tiêu không cần thiết. Ví dụ chi cho các in ấn nhiều cờ quạt, khẩu hiệu… giăng khắp nơi là rất không hiệu quả. Bây giờ người ta đi xe gắn máy, xe hơi hết rồi, đâu có cơ hội dừng lại để đọc các khẩu hiệu giăng trên đường phố, dừng lại là tai nạn, là kẹt xe. Nhiều năm qua, Trung Quốc không hề chi cho in khẩu hiệu nữa, tôi đi từ Quảng Châu đến Lạc Sơn, Thành Đô… mấy năm trước, không tìm thấy một tấm bảng khẩu hiệu. Đã ủng hộ phát triển kinh tế số, mọi tuyên truyền đến người dân cũng nên qua kênh số này”.
Thứ hai, bộ máy quản lý ở nhiều cơ quan cũng đang chồng chéo, nếu tinh giảm được bộ phận nào thì nên làm để giảm chi ngân sách. “Chúng ta hội nhập sâu rồi, nhiều dữ liệu được công khai minh bạch, trừ các mảng thuộc bí mật quốc gia, bí mật quân sự. Thế nên, xem xét tinh giảm hợp lý bộ phận nào thì nên làm và làm sớm. Có như vậy, chúng ta giảm chi khoản lớn để gánh gồng bộ máy quản lý lớn và chồng chéo không cần thiết”, ông Doanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.