Hướng dẫn mới của Tổng cục Hải quan tập trung các biện pháp ngăn chặn từ xa sau khi tiếp nhận thông tin đối với phế liệu được phép nhập từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Nhóm hàng này chỉ được nhập qua các cửa khẩu theo quy định của Bộ Công thương. Cụ thể, điều 3 của Thông tư 01/2019 quy định, không được nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất qua cửa khẩu đường bộ và cửa khẩu đường sắt.
|
Thứ hai, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài chỉ được phép dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Người nhận hàng trên bản lược khai hàng hóa đối với vận tải đường biển (E-Manifest) hoặc bản khai hàng hóa có Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu còn giá trị hiệu lực; Người nhận hàng trên bản khai hàng hóa có Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu ghi trên bản khai hàng hóa.
Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, lượng phế liệu dỡ xuống cảng hoặc vận chuyển qua cửa khẩu đường thủy nội địa không được vượt quá lượng phế liệu được nhập khẩu còn lại trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu.
Quá trình rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest, nếu có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng, yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp tàu biển chưa cập cảng hoặc đã cập cảng Việt Nam nhưng chưa dỡ hàng hóa xuống bãi, có thông tin khai báo trên e-manifest là phế liệu, nhưng người nhận hàng không có trong danh sách, có trong danh sách nhưng Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu đã hết hiệu lực, doanh nghiệp đã nhập khẩu hết số lượng trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, chưa thực hiện ký quỹ… cũng không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng. Hải quan có quyền yêu cầu hãng tàu đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…
Bình luận (0)