>> Xét xử vụ tham ô khi sửa ụ nổi 83M: Bàn bạc nâng khống khối lượng vật tư
>> Hiện tại, ụ nổi 83M ‘đốt’ gần 1 tỉ đồng/tháng
>> Xét xử vụ tham ô khi sửa ụ nổi 83M
|
Tháng 3.2008, Vinalines mua ụ nổi 83M từ Nga; sau đó, ụ nổi 83M được sửa chữa tại Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin (Khánh Hòa).
Bị cáo Trần Hải Sơn được Vinalines giao nhiệm vụ và ủy quyền cho ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M. Trong tháng 8.2008, Trần Hải Sơn tiến hành ký hợp đồng với Phạm Bá Giáp (Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân) về việc sửa chữa một số công việc phần sắt hàn, kẽm chống ăn mòn, phần van, ống, máy… của ụ nổi 83M, tổng giá trị hợp đồng là hơn 8,7 tỉ đồng. Đây là hợp đồng phụ, còn trước đó ụ nổi này đã được phía Nhà máy Hyundai-Vinashin sửa chữa.
Khi hợp đồng được ký, Hải Sơn cùng Trần Văn Quang (Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường của công ty mình), Trần Bá Hùng (Phó trưởng bộ phận Chế tạo vỏ, Nhà máy Hyundai Vinashin) đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Phạm Bá Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỉ đồng.
Khai tại tòa, Trần Hải Sơn thừa nhận hành vi tham ô của mình. Khi được hỏi: bị cáo có biết việc cấp dưới mình là Trần Văn Quang ký hợp đồng với Công ty Nguyên Ân, nhưng thực chất đây là những hợp đồng khống để hợp thức hóa, bị cáo Sơn nói có nghe Quang báo cáo, cụ thể thế nào không nhớ, vì lâu quá rồi.
Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: Tại sao khi ký hợp đồng, bị cáo không báo cho Tổng giám đốc Vinalines? Bị cáo Sơn ấp úng nói “do nhận thức chưa đúng của bị cáo”.
Đối với việc chỉ đạo cho Quang nâng giá thép sửa chữa tàu thêm 12.000 đồng/kg, bị cáo Sơn quanh co chối tội, nói không chỉ đạo. Tuy vậy, khi Hội đồng xét xử đọc lại những lời khai nhận những hành vi này mà trước đó Sơn khai với công an, bị cáo Sơn nói những lời khai này là đúng. Nhưng đúng do phía cán bộ lấy lời khai ghi, Sơn chỉ có ký. Hội đồng xét xử hỏi tiếp: cán bộ lấy lời khai có ép cung? Bị cáo Sơn nói “không”!
|
Trong vụ án này, Trần Hải Sơn tham ô 2,2 tỉ đồng. Khi được hỏi bị cáo có biết 2,2 tỉ mà Trần Văn Quang chuyển là tiền gì không, Trần Hải Sơn nói rằng không rõ nguồn gốc, nhưng nói biết đó là tiền sai phạm. Thế nhưng, khi trả lờ câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, rằng trong những lời khai trước đó với cơ quan điều tra, bị cáo đã khai nhận mình chỉ đạo Quang chuyển toàn bộ số tiền 2,2 tỉ cho mình, bị cáo Sơn lại nói những lời khai đó là đúng. Qua những lời của bị cáo Sơn, chủ tòa phiên tòa lại hỏi “Sao lúc khai thế này, lúc thế kia”?, bị cáo Sơn im lặng.
Một chi tiết quan trọng trong vụ án này là việc sử dụng 2,2 tỉ đồng sau khi tham ô của Trần Hải Sơn. Trước tòa, Sơn nói mình nhận tiền nhưng không dùng vào việc riêng mà mua quà trong các dịp lễ tết để biếu tặng. Sơn chỉ nhớ và thừa nhận biếu nhiều lần quà, tiền cho Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines là 300 triệu đồng; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines 150 triệu đồng.
Tại tòa, Dương Chí Dũng với vai trò là người liên quan, khai có nhận của Sơn 150 triệu bằng nhiều lần quà biếu, tiền nhưng không hứa gì và cũng không biết nguồn gốc số tiền này. Riêng Mai Văn Phúc phủ nhận việc nhận tiền của Trần Hải Sơn.
Chiều nay, Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa.
Tin, ảnh: Hiền Lương
>> Bắt tạm giam nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines
>> Đình chỉ chức vụ một phó tổng giám đốc Vinalines
>> Đưa tiền bồi dưỡng là quy định bất thành văn ở Vinalines
>> ‘Sếp’ Vinalines không ngờ cấp dưới khủng khiếp như vậy
>> Xét xử phúc thẩm 'đại án' Vinalines: 'Khi đưa tiền chỉ được nói là bồi dưỡng...
Bình luận (0)