Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát, thông báo tới các thuê bao di động không chính chủ (có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) đến các điểm giao dịch để cập nhật, chuẩn hóa thông tin chính chủ.
Tính đến hết 15.5, các nhà mạng đã chủ động triển khai các biện pháp rà soát, xác định 3,84 triệu thuê bao di động có thông tin cần chuẩn hóa sau đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tổ chức xử lý (chuẩn hóa, chặn 1 chiều) hơn 3,84 triệu thuê bao. Trong đó 2,85 triệu thuê bao được chuẩn hóa thông tin lại và hơn 985.000 thuê bao vừa bị thu hồi do không thực hiện chuẩn hóa theo quy định.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng SIM không chính chủ, SIM chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao, ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân, khách hàng viễn thông.
Cơ quan này đã tổ chức thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao (triển khai trong tháng 4 - 6.2023) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng để tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều SIM (lớn hơn 10, 100, 1.000 SIM). Đồng thời hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin thuê bao.
Song song đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định; chuyển SIM cho người khác sử dụng; SIM không chính chủ, đăng ký quá nhiều SIM.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng phải hoàn thành trước 15.8 phải xử lý các thuê bao chưa thực hiện đúng quy định về việc sử dụng SIM không chính chủ. Đối với tập thuê bao cố tình vi phạm quy định về việc sử dụng SIM không chính chủ, phối hợp với thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương thanh tra, xử lý vi phạm đồng thời truyền thông mạnh các trường hợp bị xử lý vi phạm.
Liên quan đến vấn đề xử lý tin nhắn giả, trong 6 tháng đầu năm Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo các nội dung “đen” tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung “đen” như mại dâm, cờ bạc... Cụ thể, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện và phối hợp Bộ Công an bắt 11 vụ, Bộ Công an mở rộng điều tra bắt 4 vụ.
Bình luận (0)