Chiều 18.10, tôi có mặt tại Km 15 đường Hồ Chí Minh nhánh tây, cách hiện trường vụ sạt lở khiến 22 chiến sĩ hy sinh khoảng 2 km. Cảnh tượng tan hoang hiện ra trước mắt.
Đoàn tiếp ứng của Bộ Quốc phòng quyết định dừng chân để các lực lượng khắc phục sạt lở, thông tuyến. Một mũi chỉ huy khác do trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) cùng ông Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) khảo sát một số địa điểm xung quanh Km 15 để đặt Sở chỉ huy tiền phương.
Một số cán bộ địa phương đề xuất chọn vị trí dưới điểm sạt lở Km 15 vài trăm mét. Nhưng trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa quyết định chọn một nhà dân trên dải đất bằng phẳng, cách điểm sạt lở vài trăm mét. Tôi quan sát và thấy vị trí này khá rộng, không có đồi núi phía sau, lại cách xa con suối chảy cắt ngang đường nên có thể tránh được lũ quét.
Việc khảo sát nơi đóng quân tìm kiếm cứu nạn cũng được triển khai khẩn trương nhưng thận trọng, làm sao để “bảo toàn lực lượng”, sau khi đoàn tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên- Huế) bị đất đá vùi lấp khiến 13 người hy sinh vừa xảy ra 5 ngày trước đó. Chính nhờ sự thận trọng đó mà công tác cứu hộ sau đó được triển khai một cách an toàn, hiệu quả.
Mưa lũ tại miền Trung vẫn đang diễn biến phức tạp. Công tác cứu hộ cứu nạn vẫn tiếp tục. Những bài học kinh nghiệm đã được ngành chức năng đúc rút. Sự thận trọng, cảnh giác cao độ trong cứu nạn lúc này là hết sức cần thiết. Cứu nạn bằng mọi cách, nhưng không bằng mọi giá!
Bình luận (0)