Tiết học văn đầy cảm xúc

25/09/2018 16:49 GMT+7

Học sinh viết thư gửi ba mẹ trong tiếng nhạc không lời du dương, giáo viên bật khóc khi đọc những bài văn tràn đầy cảm xúc của học sinh... là những hình ảnh của một tiết học ngữ văn tại Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM)

Khác với những giờ làm bài tập làm văn truyền thống, học sinh im lặng làm những đề bài theo khuôn mẫu, giáo viên ngữ văn của lớp 10A13 là cô Trần Thị Quỳnh Anh, Trường THPT Trưng Vương, đã mở những bản nhạc không lời và yêu cầu học trò: “Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho ba, mẹ của mình, nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con và cô sẽ không cho ba mẹ con xem”.

Một tiết học của học sinh lớp 10A13 Ảnh: Hồ Ly

Ngay sau khi đọc đề bài của cô giáo, “những chú 'dê hồng' (cách gọi thân mật các học trò vì các em sinh năm Quý Mùi 2003) la ó: Làm sao viết được, trời ơi sến lắm. Nhưng tôi im lặng, cũng không dám chắc các em sẽ hợp tác và nghĩ rằng 'mấy con dê' có thể sẽ viết bằng sự gượng ép, sáo rỗng”, giáo viên Quỳnh Anh cho hay.


Thế nhưng, sau một nửa thời gian làm bài, cô Quỳnh Anh cho biết: “Đột nhiên tôi nghe tiếng sụt sùi đâu đó và đến khi chấm bài, cảm xúc thật khó tả vì học trò của mình đã mở lòng. Và tôi xúc động với những tình cảm, chia sẻ của các con với ba mẹ”.

Giáo viên này cho hay đã bật khóc khi đọc lá thư của một học trò gửi người mẹ đã mất: “Cũng lâu lắm rồi con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi với mẹ. Sống ở đây con được ba lo cho đầy đủ nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc khi còn nhỏ…”. Và ở những bức thư khác, giáo viên của lớp 10A13 nhận thấy học trò của mình thật tinh tế và tế nhị, yêu ba mẹ vô cùng và không bao giờ hờn trách cha mẹ bận bịu dành ít thời gian cho con…

Dù ngay trong đề bài, đã hứa “sẽ không cho ba mẹ con xem” nhưng giáo viên Trần Thị Quỳnh Anh đành thất hứa với học trò của mình và quyết định lấy băng keo che đi những phần tâm tư con muốn giữ riêng trong mỗi bức thư, sau đó gửi cho phụ huynh học sinh ở buổi họp phụ huynh. Đặc biệt, trong mỗi lá thư gửi ba mẹ, “tôi kẹp vào đó tấm hình của con trong bộ đồng phục mới, kỷ niệm một chặng đường mới của con tặng cho ba mẹ và một tờ giấy nhỏ để mỗi phụ huynh có thể gửi lời chúc cho một chặng đường mới của con. Mong ba mẹ và các con sẽ xích gần lại với nhau hơn. Ở nhà cũng sẽ vui và tình cảm, ở trường cũng sẽ thế”, cô Quỳnh Anh nói. 

Những bức thư của ba mẹ gửi cho con Ảnh: Hồ Ly

Được biết những bức thư của ba mẹ gửi cho con, giáo viên đính ở bảng cuối lớp học với lời nhắn của cô giáo: “Mong con biết là ba mẹ sẽ luôn ở sau con, cùng con cố gắng. Và ở sau con là niềm tin, là kỳ vọng của ba mẹ. Những điều đó luôn bên cạnh con khi con ngồi trong lớp. Giống như một lá thư ba gửi cho con ngắn gọn nhưng súc tích 'Con hãy học thật tốt, thế giới để ba mẹ lo' và có cô lo cùng nữa”.

Cô Trần Thị Quỳnh Anh chia sẻ ý tưởng tổ chức tiết học tràn đầy cảm xúc này xuất phát từ việc những ngày đầu nhận lớp, đọc trong hồ sơ học sinh thấy một vài trường hợp khuyết tên ba hoặc mẹ. Ý định ban đầu của tôi là để tìm hiểu những em ấy nhưng lại thấy thêm rất nhiều hoàn cảnh khác cũng thương không kém. Đồng thời từ trước đến nay, tôi cũng loay hoay không biết làm sao để khơi gợi những cảm xúc chân thực của học trò. Do vậy tôi mạnh dạn thử làm một lần và mở nhạc nhằm để cho các con thư giãn, mở lòng ra...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.