Trước nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng không ngừng gia tăng nên mặc dù công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi hành động tiết kiệm điện được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, nhưng ý thức tự giác tiết kiệm điện vẫn chưa trở thành thói quen của một số người. Vậy phải làm sao?.
Trước hết, theo hợp đồng kinh tế, khách hàng dùng nhiều điện thì trả nhiều tiền, nên những hộ có thu nhập cao thường sử dụng điện thoáng hơn hộ nghèo, vì vậy cần tập trung vào đối tượng này để vận động.
Nhân viên ngành điện theo dõi sát phiếu thu tiền điện của khách hàng hàng tháng, nếu thấy tháng sau cao hơn tháng trước thì tìm hiểu nguyên nhân, tuyên truyền, hướng dẫn họ cách sử dụng các thiết bị điện đạt tối ưu tiết kiệm điện. Nên khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đúng mục đích, tránh lãng phí.
Tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp Nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh, việc sử dụng điện hiện nay tràn lan, ý thức tiết kiệm điện chưa cao. Do là điện “cơ quan” nên nhiều cán bộ, công chức, người lao động dùng các thiết bị điện vô tội vạ, không tiết kiệm...
Do đó, các đơn vị bắt buộc xây dựng quy định sử dụng điện tại đơn vị mình, nhằm ràng buộc người lao động có ý thức, trách nhiệm tiết kiệm điện. Đồng thời có xây dựng phương án sử dụng điện tiết kiệm cụ thể theo từng quý, 6 tháng, bảo đảm giải pháp đưa ra phải tiết kiệm từ 05 đến 10% chi phí điện năng tiêu thụ hoặc ít nhất không tăng so định kỳ trước đó. Có quy định khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc tiết kiệm điện, có những sáng kiến về tiết kiệm điện có hiệu quả.
Hộ gia đình cần khuyến khích khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời vào trong sinh hoạt gia đình. Thay thế một vài miếng tôn trên mái nhà bằng “tôn sáng” hay “miếng nhựa trong” hoặc cắt những lỗ tôn trên mái nhà sao cho vừa kích cỡ của những “chai nhựa trong” và đưa chai vào, trám xi măng kiên cố chỗ tiếp giáp không cho rò rỉ nước, những việc làm đó sẽ nhận được ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà.
Sử dụng nguồn năng lượng thay thế để giảm số tiền sử dụng điện
Nhắc đến tiết kiệm điện, bất kỳ ai cũng hiểu ngay là giảm thiểu lượng điện năng đang sử dụng nhưng ít ai lại nghĩ đến sử dụng nguồn năng lượng thay thế để giảm số tiền sử dụng điện trong gia đình.
Trên thế giới, do vị trí địa lý đặc trưng hoặc do các nguyên nhân khách quan khác nhau, người ta đã tìm ra nhiều giải pháp để chuyển hóa các nguồn năng lượng khác nhau thành điện năng, như: Chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng; Chuyển hóa cơ năng thành điện năng bằng cách sử dụng năng lượng gió, sóng biển, thủy triều, nước mưa...
Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu một giải pháp khác tuy đơn giản, chưa thực nghiệm ở Việt Nam nhưng có thể xem xét nghiên cứu triển khai áp dụng nhằm giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia. Đó là sử dụng năng lượng cơ học từ việc vui chơi, tập thể dục của con người để phát điện.
Hiện nay, trong các công viên công cộng hiện đang có lắp các thiết bị tập thể dục chuyên dùng khác nhau, trong đó có một số thiết bị có thể xem xét để biến đổi cơ năng của thiết bị thành điện năng, năng lượng điện sau đó được tích trữ vào bình Ắc quy và cuối cùng là sử dụng nguồn năng lượng điện đã tích trữ để phục vụ cho chiếu sáng công viên vào buổi tối.
Ngoài ra, trên thực tế năng lượng sinh ra từ sân chơi của trẻ em, có thể được sử dụng để thắp sáng các lớp học trong nhiều giờ. Ví dụ: Ở châu Phi nhờ sáng chế của nhà phát minh trẻ Daniel Sheridan (người Anh) đã nghiên cứu tạo ra điện thông qua trò chơi của trẻ em với sự trợ giúp của các chuyên gia từ ý tưởng thiết kế “tấm ván bập bênh”.
Sau khi chuyển hóa thành điện, nguồn năng lượng này sẽ được truyền đến bộ phận tích lũy điện và trữ ở đó cho tới khi cần sử dụng thì chuyển đổi thành dạng năng lượng cần sử dụng. Với giải pháp nêu trên có thể thấy tiềm năng của sản phẩm này là rất lớn, có thể mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng.
Theo tính toán, chỉ cần chơi bập bênh, hoặc sử dụng các thiết bị tập thể dục chuyên dụng trong vòng 5-10 phút, thì lượng năng lượng này có thể phát ra điện đủ thắp sáng một lớp học vào buổi tối trong một giờ.
Vì vậy, tôi tin rằng đối với một đất nước có nhiều nhân tài cũng như chịu khó tìm tòi học hỏi như Việt Nam, thì giải pháp tiết kiệm điện với ý tưởng tạo điện năng từ hoạt động giải trí, thể thao không bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực. Trong trường hợp được nhân rộng mô hình này, ngoài việc tiết kiệm được nguồn năng lượng đang bị bỏ phí mà còn góp “xanh” được môi trường sống của chúng ta.
"Tiết kiệm điện thành thói quen" với tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)