Tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhờ cách này…

08/09/2024 07:00 GMT+7

Ngán ngẩm vì phải tốn hàng triệu đồng mỗi tháng chỉ để tìm không gian học tập tại quán cà phê, nhiều sinh viên đã chọn chuyển sang cửa hàng tiện lợi, vừa tiết kiệm, vừa thoải mái. Nhờ quyết định này, nhiều bạn trẻ có thể cắt giảm gần 1 triệu đồng chi phí sinh hoạt hằng tháng.

Tại Circle K (366 Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhiều sinh viên đã tập trung tại đây để học tập. Nhiều bạn học một mình, số khác học theo nhóm, chăm chú vào laptop và sách vở, trao đổi trong không gian đủ yên tĩnh nhưng vẫn giữ được sự nhộn nhịp. Tiếng gõ bàn phím và trò chuyện khe khẽ tạo nên một môi trường học tập thoải mái, thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ đến đây tìm chỗ học tập để tiết kiệm chi phí thay vì chọn các quán cà phê đắt đỏ.

Tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhờ cách này…- Ảnh 1.

Nhiều người trẻ tập trung tại các cửa hàng tiện lợi học tập và làm việc để tiết kiệm chi phí

ẢNH: KIM ANH

Nơi học tập hiệu quả và tiết kiệm chi phí

Lê Tấn Quốc Bảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã duy trì thói quen học tập tại cửa hàng tiện lợi suốt 10 tháng qua. Chia sẻ về lý do chọn nơi này, Quốc Bảo cho biết: "Ở nhà dễ bị sao nhãng, nên mình thường tìm những cửa hàng tiện lợi có nhiều người học tập để có không khí hơn. Các quán cà phê thì giá nước đắt và nhiều bạn trẻ thường chơi game hơn là học". Theo Quốc Bảo, ngày càng có nhiều người trẻ chọn cửa hàng tiện lợi để học tập, khiến nơi đây trở thành không gian học tập rất hiệu quả.

Tương tự, Nguyễn Phương Dung, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: "Lúc trước, mình thường học ở quán cà phê, nhưng khi muốn tiết kiệm thì sẽ ghé cửa hàng tiện lợi". Dung cho rằng ở cửa hàng tiện lợi, bạn chỉ cần chi khoảng 7.000 - 25.000 đồng là đã có được không gian làm việc tập trung; trong khi ở quán cà phê thì phải chi đến 35.000 - 50.000 đồng, tùy món nước và quán.

Để tiết kiệm chi phí ăn uống hằng tháng, Trần Hồng Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã chuyển sang học tập tại cửa hàng tiện lợi thay vì các không gian khác. Khánh nói: "Trước đây, khi chưa biết đến cửa hàng tiện lợi, mình thường chi khoảng 45.000 - 65.000 đồng/ngày để học ở quán cà phê. Còn bây giờ, chỉ cần mua một chai nước 12.000 đồng là đã có chỗ học yên tĩnh tại khu vực ăn uống của cửa hàng tiện lợi. Thói quen này giúp mình tiết kiệm hơn 1 triệu đồng mỗi tháng".

Tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhờ cách này…- Ảnh 2.

Khu vực ăn uống ở các cửa hàng tiện lợi thường rất rộng rãi

ẢNH: KIM ANH

Tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhờ cách này…- Ảnh 3.

Khu vực nấu mì gói, hâm nóng đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi GS25 trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

ẢNH: KIM ANH

Khánh cho biết thêm, tùy theo chi nhánh mà khu vực ăn uống sẽ khác nhau. Một số nơi nhỏ, không gian học tập có thể hơi bất tiện, nhưng hầu hết các cửa hàng gần trường đại học đều rộng rãi, không gian thoải mái hơn.

Huỳnh Quốc Nam, nhân viên cửa hàng tiện lợi GS25, chi nhánh 493 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Khu vực ăn uống trên lầu ở đây là miễn phí, khách hàng không bắt buộc phải mua nước. Hiện tại, cửa hàng cũng đã nâng cấp nhiều tiện ích để đảm bảo khách hàng được trải nghiệm tốt nhất. Nhiều bạn trẻ thường có xu hướng mua nước và đồ ăn kèm trước khi lên học tập tại lầu trên của quán". Anh Quốc Nam cũng cho biết thêm, ngoài đồ ăn nhanh, cửa hàng còn phục vụ trái cây và các phần ăn có rau củ, đa dạng thành phần dinh dưỡng để khách có lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe.

Cần gì là có ngay !

Tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhờ cách này…- Ảnh 4.

Nhiều sinh viên “đóng đô” cả ngày, học tập xuyên đêm tại cửa hàng tiện lợi trong các kỳ thi

ẢNH: KIM ANH

Nói về những tiện ích khác ngoài giá cả khi học tập tại cửa hàng tiện lợi, Cao Hoàng Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Cơ sở vật chất ở cửa hàng tiện lợi đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và làm việc như: ánh sáng, máy lạnh, nhà vệ sinh, internet và nhiều ổ cắm điện để sạc laptop. Thêm vào đó, khi đói, mình có thể mua đồ ăn ngay tại chỗ mà không phải đi đâu xa, rất tiện lợi".

Minh Anh chia sẻ thêm: "Mình thường học tại cửa hàng tiện lợi từ 12 - 17 giờ. Những ngày có nhiều… deadline, mình sẽ học đến 21 giờ. Trong các đợt thi cuối kỳ, mình còn thường xuyên học qua đêm tại đây".

Kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, Phan Trần Thanh Thảo, 28 tuổi, ngụ đường Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Vì tính chất công việc, tôi có thể làm ở bất kỳ đâu chỉ cần một cái laptop. Sở dĩ chọn cửa hàng tiện lợi vì khi cần gì, tôi có thể xuống mua đồ ở tầng dưới là có ngay. Cửa hàng còn có nước nóng, lò vi sóng để nấu mì gói và hâm nóng đồ ăn".

Tuy nhiên, chị Thanh Thảo cũng nêu ra những hạn chế khi làm việc tại cửa hàng tiện lợi: "Vào giờ cao điểm như 12 giờ trưa hay chiều tối, nơi đây có thể hơi ồn và mạng internet yếu hơn. Bên cạnh đó, các bạn cần cân nhắc tránh chi tiêu quá mức. Đặc biệt, do có nhiều vụ trộm vặt tại cửa hàng tiện lợi, sinh viên nên mang theo đồ cá nhân khi đi vệ sinh hoặc lúc mua đồ ở tầng dưới, không nên chủ quan".

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, thạc sĩ Phan Dương Phúc, giảng viên bộ môn dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Việc lựa chọn học tập và ăn uống tại các cửa hàng tiện lợi sẽ tiết kiệm chi phí cho giới trẻ. Tuy nhiên, người trẻ cần thận trọng vì thực phẩm chế biến sẵn thường thiếu cân bằng dinh dưỡng và nếu không được sử dụng hợp lý, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe về lâu dài".

Thạc sĩ Phan Dương Phúc khuyến cáo sinh viên nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn giàu tinh bột, chất béo và gia vị. Bởi vì đây là những loại thực phẩm cung cấp "năng lượng rỗng", chứa nhiều calo nhưng thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tiêu thụ thường xuyên có thể gây rối loạn chuyển hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: béo phì, tăng huyết áp, suy thận…

Thạc sĩ Phan Dương Phúc nhấn mạnh rằng sinh viên cần đảm bảo bữa ăn cân đối, đầy đủ 3 nhóm chất sinh năng lượng như: đạm (thịt, cá, trứng, đậu,...), chất béo (dầu ăn, hạt giàu chất béo), và bột đường (cơm, bún, phở). Ngoài ra, khẩu phần ăn hằng ngày nên bổ sung 300 - 400 gr rau (tương đương 1,5 - 2 chén) và 100 - 200 gr trái cây (1 chén) để đảm bảo cung cấp đủ chất xơ và khoáng chất, giúp duy trì sức khỏe tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.