Tiết kiệm ngàn tỉ, địa phương 'vắt chân lên cổ' lo sáp nhập

17/01/2019 07:41 GMT+7

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có 631 đơn vị hành chính cấp xã thiếu 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số...

Với danh sách các xã phải sáp nhập có thể lên đến con số 66 như Thanh Hóa và Hà Tĩnh, trong khi chỉ có khoảng 1 năm rưỡi để hoàn thành hết các thủ tục từ xây dựng đề án, lấy ý kiến nhân dân, HĐND thông qua, Ủy ban Pháp luật thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, giải quyết vấn đề “hậu” sáp nhập...

Hà Nội có 14 phường có thể phải sáp nhập

Tiết kiệm 1.472 tỉ đồng/năm sau sáp nhập

Theo Bộ Nội vụ, nếu thực hiện các mục tiêu này, từ nay đến 2021 sắp xếp 16 huyện và 631 xã thì về lâu dài sẽ giảm được 1.360 biên chế, công chức hành chính cấp huyện; 13.251 biên chế cán bộ, công chức cấp xã, 11.989 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1.472 tỉ đồng/năm do không phải chi các khoản tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và khoản chi quản lý hành chính (bình quân 9,2 tỉ đồng/năm đối với huyện và 2,1 tỉ/năm đối với xã). “Số tiền này dành để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tăng chi đầu tư phát triển và phúc lợi”, theo Bộ Nội vụ.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có 631 đơn vị hành chính cấp xã thiếu 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xã vùng cao, miền núi có từ 5.000 dân trở lên, diện tích 50 km2 trở lên; xã khác có 8.000 dân trở lên, diện tích 30 km2 trở lên) có thể sẽ phải sáp nhập theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Trong số này, Hà Nội có đến 14 phường, chủ yếu ở Q.Hoàn Kiếm (11 phường) và Q.Hai Bà Trưng (3 phường); TP.HCM có 8 phường tại Q.2, Q.4, Q.5 và Q.Phú Nhuận.
Theo thống kê sơ bộ (danh sách cuối cùng các phường, xã nào phải sắp xếp sẽ nằm trong đề án riêng do từng địa phương xây dựng) của Chính phủ, các địa phương có danh sách đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn nhiều nhất là Thanh Hóa (66 đơn vị), Hà Tĩnh (57 đơn vị), Cao Bằng (53 đơn vị), Phú Thọ (42 đơn vị), Nghệ An (41 đơn vị), Lạng Sơn (40 đơn vị). Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Nội vụ Hà Tĩnh tại Hội nghị toàn quốc ngành nội vụ, Hà Tĩnh có tới 66 xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí, chứ không phải 57 như thống kê trên, nên “nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh là rất nặng nề”.
Để chuẩn bị cho việc sắp xếp (sẽ phải hoàn tất muộn nhất trong tháng 8.2020 để kịp Đại hội Đảng các cấp), Hà Tĩnh tập trung rà soát, nắm chắc lịch sử hình thành phát triển của từng xã để xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ nay đến 2021, đồng thời chủ động gắn việc sắp xếp với đổi mới, tinh giản biên chế, cơ cấu lại số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Theo Hà Tĩnh, tỉnh này bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã theo hướng giảm từ nay đến 2021: xã loại 1 không quá 21 người, xã loại 2 không quá 20 người và xã loại 3 không quá 19 người. Theo đó, đến 2021, tỉnh sẽ giảm được hơn 1.200 cán bộ chuyên trách cấp xã. Từ sau 2021 trở đi, mỗi năm tỉnh sẽ tiết kiệm được 70 tỉ đồng lương cho số cán bộ này.
Về cán bộ không chuyên trách, Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu đến tháng 8.2019 phải hoàn thành bố trí mỗi xã không quá 8 người, theo đó giảm 2.093 người và nâng mức khoán chi phụ cấp cho 1 người trung bình từ 1,3 - 2,7 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Tương tự, Sở Nội vụ Hòa Bình cũng cho biết tỉnh này có 31 xã, thị trấn chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí. Theo đề án tỉnh đã xây dựng xong, Hòa Bình sẽ nhập H.Kỳ Sơn vào TP.Hòa Bình và sáp nhập 59 xã - nhiều hơn 28 xã so với con số dự kiến phải sáp nhập. Sau sắp xếp, tỉnh sẽ giảm chi ngân sách thường xuyên khoảng 266 tỉ đồng (mỗi huyện giảm 30 tỉ đồng, mỗi xã giảm trung bình 4 tỉ đồng). Là một trong những tỉnh hoàn thiện đề án sớm nhất, Hòa Bình dự kiến đến quý 4 năm nay sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình T.Ư xem xét.

Tránh xáo trộn đời sống người dân

Trong khi đó, chỉ có 1 năm rưỡi để hoàn thiện một khối lượng công việc khổng lồ: xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt đề án, lấy ý kiến nhân dân, thông qua HĐND các cấp, báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét thông qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết... sắp xếp “hậu” sáp nhập... các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính phải sáp nhập bày tỏ rất lo lắng.
Theo Hà Tĩnh, có rất nhiều khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt, cần có hướng dẫn của Chính phủ và Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ. Thứ nhất, Hà Tĩnh có những trường hợp 3 xã nhập vào vẫn không đạt 50% cả 2 tiêu chí; nhập 2 xã vào nhưng vẫn còn 1 tiêu chí đạt dưới 50%, tiêu chí còn lại đạt trên 50% nhưng dưới 100% (hoặc đã đạt trên 100% nhưng dưới 150% theo quy định). Hà Tĩnh cũng băn khoăn về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ dôi dư lên đến hàng ngàn người. Do đó, tỉnh này kiến nghị Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nghị quyết, Chính phủ sớm ban hành chương trình, kế hoạch về lộ trình thực hiện, trong đó nêu rõ một số nguyên tắc khi sắp xếp để giải quyết được các khó khăn trên. Hà Tĩnh cũng đề nghị được sử dụng kinh phí tiết kiệm được do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã để hỗ trợ đối tượng dôi dư khi thực hiện chủ trương này.
Tương tự, Hòa Bình kiến nghị về việc sau khi sáp nhập, hợp nhất thì không xét điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính mới nữa; tức là nếu đã sáp nhập rồi mà vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chí cả về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc... thì cũng không phải tiến hành sắp xếp lần hai. Thêm vào đó, tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ hướng dẫn sắp xếp bộ máy, số lượng lãnh đạo, biên chế... và chính sách hỗ trợ những người bị tác động. Các thủ tục chuyển đổi, bổ sung thông tin các loại giấy tờ cá nhân, tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh do thay đổi địa giới hành chính... cũng được các địa phương kiến nghị được hướng dẫn để tránh xáo trộn đời sống của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.