Tiết kiệm tốt nhất là hạn chế hội họp triền miên

04/11/2013 03:20 GMT+7

Trả lời Thanh Niên về các giải pháp chống lãng phí , Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cách tốt nhất vẫn là hạn chế các cuộc hội họp triền miên. Ông nói:

 

 


ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Ngọc Thắng

Có những việc lẽ ra chỉ thủ trưởng và một, hai nhân viên đi cùng là được, nhưng người ta lại kéo “bầu đoàn thê tử” đi, tiện thể thăm chỗ nọ, ghé chỗ kia. Hoặc là có những cuộc họp của ngành mời tới 4 - 5 đối tượng ở địa phương ra họp, trong khi chỉ cần 1 - 2 người đi dự rồi về phổ biến lại là đủ

“Tôi ủng hộ việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa qua kêu gọi cán bộ nhân viên trong ngành đi công tác bằng máy bay giá rẻ. Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến tình trạng chi tiêu lãng phí, nhiều khoản chi vô tội vạ trong bộ máy hành chính hiện nay khiến cho bội chi ngân sách không có cách nào giảm được, trong đó có các khoản chi công tác, hội họp, đi nước ngoài... Việc tiết kiệm như Bộ trưởng Thăng kêu gọi nên mở rộng ra đối với các bộ ngành, địa phương trên cả nước. Nếu thực hiện được những đề xuất như vậy thì sẽ tiết kiệm được khá nhiều cho ngân sách. Cá nhân tôi cũng từng gặp một số lãnh đạo cấp cao ngồi ghế hạng thường chứ không ngồi ghế thương gia trong các chuyến bay kể cả đi nước ngoài, mặc dù theo tiêu chuẩn họ được mua vé ghế hạng thương gia. Việc lãnh đạo ngồi vé hạng thường không những tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách mà còn giúp các công bộc của dân gần gũi với người dân hơn”.

Ý thức của người đứng đầu

* Người đứng đầu một bộ kêu gọi tinh thần tiết kiệm là rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu chỉ dừng lại ở kêu gọi mà không có quy định cụ thể áp dụng chung cho việc chi tiêu thường xuyên hiện nay thì tình trạng lãng phí sẽ rất khó mà chấn chỉnh... 

- Thông tư 97 Bộ Tài chính ban hành ngày 6.7.2010 quy định về chế độ công tác phí đã bỏ quy định cấp nào mới được đi máy bay và giao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định cho công chức được đi bằng phương tiện máy bay. Từ khi có thông tư này, tôi chẳng thấy mấy người đi công tác bằng tàu hỏa hay xe khách nữa.

Vấn đề ở đây là việc người có thẩm quyền quyết định việc đi công tác không kiểm soát được. Có những việc lẽ ra chỉ thủ trưởng và một, hai nhân viên đi cùng là được, nhưng người ta lại kéo “bầu đoàn thê tử” đi, tiện thể thăm chỗ nọ, ghé chỗ kia. Hoặc là có những cuộc họp của ngành mời tới 4 - 5 đối tượng ở địa phương ra họp, trong khi chỉ cần 1 - 2 người đi dự rồi về phổ biến lại là đủ. Như vậy, việc tiết kiệm được hay không, nhiều khi không chỉ phụ thuộc vào quy định của pháp luật, mà phụ thuộc rất lớn vào ý thức tiết kiệm của người đứng đầu.

* Ngoài chi phí công tác, tình trạng chi tiêu cho tiệc tùng xa hoa của không ít cơ quan đơn vị mỗi dịp tiếp khách, đón tiếp lãnh đạo… cũng gây lãng phí ngân sách lớn, gây bức xúc dư luận. Phải có biện pháp gì chấn chỉnh thực trạng này, thưa ông?

- Đó là một thực tế rất đau xót. Thực ra sự lãng phí trong chi tiêu hành chính của chúng ta rất lớn, tràn lan ở nhiều lĩnh vực. Một chai rượu đôi khi có giá thậm chí bằng mấy chiếc vé máy bay. Chuyện ăn uống, tiếp khách linh đình, lãng phí diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ có ở bộ, ngành T.Ư, tổng công ty nhà nước mà ngay các địa phương cũng thế. Cứ có khách, có họp hành là ăn nhậu, rất tốn kém và phản cảm. Tôi không biết những khoản ấy rồi người ta sẽ tính vào đâu, nhưng chắc là không ai bỏ tiền túi của mình ra cả. Nếu lãnh đạo không kêu một ông doanh nghiệp nào đó đứng ra chiêu đãi thì phải lấy tiền chi tiêu hành chính ra thôi. Mà nếu doanh nghiệp nào đó có bỏ tiền ra thì rồi cũng phải ban phát lại cho họ điều gì đó, ít ra thì cũng xây dựng, củng cố được mối quan hệ để rồi sau này tranh thủ mang lại lợi lộc cho doanh nghiệp.

Đã đến lúc phải quy định rõ các khoản chi tiêu cho việc tiếp khách như vậy không được quyết toán. Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, bản thân các vị lãnh đạo khi duyệt chương trình đón tiếp của các cơ quan, đơn vị, cấp cơ sở cũng phải khước từ ngay để không tái diễn tình trạng tương tự. Tôi nghĩ rằng chỉ cần lãnh đạo nào cũng làm gương như thế, tình trạng tiệc tùng sau gặp gỡ, thăm hỏi, hội họp cũng sẽ dần phải chấm dứt. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là hạn chế các cuộc hội họp triền miên với phạm vi di chuyển rộng, gây tốn kém tiền ăn ở, đi lại như hiện nay, nên phát huy tối đa các cuộc họp trực tuyến giữa các cơ quan, đơn vị. Biện pháp này bây giờ rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã áp dụng để tiết giảm chi phí, không có gì khó khăn cả.

Minh bạch chi tiêu ngân sách cho dân biết

* Khi đề cập đến các giải pháp phòng chống lãng phí, nhiều ý kiến cho rằng nên thực hiện khoán chi ở tất cả các lĩnh vực, kể cả chi phí đi lại của các chức danh được sử dụng xe công hiện nay?

- Tôi ủng hộ việc khoán chi. Chúng ta mấy năm gần đây đều nói tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nhưng vấn đề là phải xác định được tổng số được phép dành cho chi thường xuyên tối thiểu là bao nhiêu, và tiết kiệm 10% là phải trên nền tối thiểu đó, chứ không phải cứ kê lên cho nhiều rồi báo cáo đã tiết kiệm được 10%, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả thực tế gì cả.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hụt thu ngân sách hiện nay, ngoài việc tính toán khoản chi thường xuyên tối thiểu theo cách “liệu cơm gắp mắm” để khoán cho các đơn vị, và cho phép linh hoạt sử dụng khoản tiết kiệm được của mỗi cơ quan cho việc tăng lương, thưởng cho cán bộ nhân viên, thì chắc chắn cán bộ nhân viên các cơ quan cũng sẽ giúp nhà nước giám sát chi tiêu của các vị lãnh đạo, bởi thay vì tiền ngân sách tập trung nhiều cho một số người được hưởng đặc quyền đặc lợi thì sẽ chia đều cho cán bộ công nhân viên thông qua lương, thưởng, phúc lợi khác.

Đi liền với đó, hằng năm khen thưởng các đơn vị điển hình trong phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phê bình nghiêm khắc cá nhân người đứng đầu cơ quan đơn vị để chi tiêu lãng phí, vượt chi so với dự toán, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, và coi việc tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những tiêu chí đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm hay để kỷ luật người đứng đầu.

Với xe công, cách tốt nhất để chống lãng phí là nghiên cứu để ban hành một quy chế về quản lý sử dụng xe công cho hợp lý, trong đó quy định rõ cấp nào thì được dùng xe mà mức chi phí nhiên liệu trên mỗi tháng tối đa là bao nhiêu. Trước khi ban hành quy chế này, cần tổng kết, công khai mỗi năm chi tiêu cho xe công, mua sắm xe mới của các cấp, các ngành, địa phương là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm trong chi tiêu ngân sách thường xuyên. Và với quy chế mới, số tiền tiết kiệm được dự kiến là bao nhiêu. Tôi tin rằng, nếu có quyết tâm từ các cấp cao nhất, chúng ta sẽ thực hiện được giải pháp này.

* Để làm được như ông nói, trước hết phải công khai tất cả các khoản chi tiêu ngân sách hằng năm cho dân được biết, thay vì chọn giải pháp đóng dấu “Mật” vào báo cáo chi tiêu ngân sách như ta hiện nay?

- Đúng là như vậy. Ở nhiều nước, bất cứ một khoản chi tiêu nào của chính quyền cũng phải niêm yết công khai để người dân giám sát. Người dân sẽ dựa vào các quy định về định mức, tiêu chuẩn để soi vào danh mục chi tiêu đó, nếu thấy khoản chi nào không hợp lý thì có quyền buộc người quyết định chi phải giải trình và người quyết định chi quá tiêu chuẩn, định mức phải bỏ tiền túi ra đền. Ở ta hiện nay, các quy định về định mức, tiêu chuẩn thì thiếu, không cụ thể nên dù có công khai thì người dân, kể cả các cán bộ công chức của chính cơ quan đó cũng khó mà biết được các cơ quan hành chính đã chi tiêu có đúng quy định không. Vì vậy, phải tập trung hoàn thiện trước từ khâu quy định, rồi bước tiếp theo là công khai để dân giám sát, nhưng cũng không nên khất vấn đề này sang nhiệm kỳ tới.

Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Sáng nay (4.11), QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về các nội dung như việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; dự án luật Hải quan (sửa đổi).

Trong tuần này, QH cũng sẽ thảo luận tại hội trường về các nội dung quan trọng của kỳ họp, đó là những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự luật Đất đai (sửa đổi); công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.

Bảo Cầm (Thực hiện)

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Buộc cán bộ đi máy bay giá rẻ: Để tiết kiệm tiền thuế của dân
>> Đơn giản hóa 77 thủ tục, tiết kiệm 112 tỉ đồng
>> Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 'Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát
>> Bó tay' với thất thoát, lãng phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.