Tiết lộ chiến lược biển ứng phó Liên Xô của Mỹ

17/11/2014 08:55 GMT+7

Chiến lược biển ứng phó Liên Xô trước đây của Mỹ được cho là cũng có thể áp dụng cho bối cảnh hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tiết lộ chiến lược biển ứng phó Liên Xô của Mỹ
Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong một cuộc tập trận chung ở Thái Bình Dương - Ảnh: US Navy 

Cựu Giám đốc nhóm nghiên cứu chiến lược (SSG) John T.Hanley Jr vừa có bài phân tích chi tiết đăng trên website của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ về chiến lược ứng phó Liên Xô trên biển trong thời Chiến tranh lạnh. Theo ông, tuy đã qua nhiều năm nhưng chiến lược này vẫn có tác động sâu rộng đến quá trình phát triển những khái niệm chiến tranh hoặc chính sách mới của Mỹ áp dụng ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến những biến chuyển lớn về an ninh biển với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tiền thân của Chiến tranh không - biển

Được thành lập vào tháng 7.1981 và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tham mưu trưởng hải quân, nhiệm vụ chủ đạo ban đầu của SSG là tìm kiếm một chiến lược hữu dụng cho Mỹ và đồng minh đối phó với hải quân Liên Xô trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Nhờ thông tin tình báo, SSG phát hiện chiến lược biển tổng thể của Liên Xô chú trọng vào lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo để sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân nếu cần. Hải quân còn có nhiệm vụ bảo vệ Liên Xô và các đồng minh trước tàu ngầm và tàu sân bay của đối phương. Theo SSG, sau khi giành được ưu thế trên biển, Liên Xô sẽ tiến tới cố giành quyền kiểm soát toàn bộ hoặc một phần các vùng biển ở Bắc Băng Dương, phía bắc Na Uy và tây Thái Bình Dương để thực thi chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận, đẩy đối phương ra xa khỏi lãnh thổ của mình khoảng 2.000 km.

Trong khi đó, SSG đánh giá Mỹ không có một khái niệm tác chiến biển thống nhất và mang tính toàn cầu. Các đơn vị máy bay tuần tra biển, nhóm tác chiến tàu sân bay, nhóm tàu chiến nổi và tàu ngầm hoạt động một cách riêng rẽ, phân tán ở các vùng biển khác nhau. Mặt khác, các chiến lược gia của SSG cho rằng Mỹ cần tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) bằng cách phát triển các lực lượng ASW thành một đội hình phối hợp giữa nhiều nhóm tàu khác nhau cũng như giữa không quân và hải quân, kết nối chặt chẽ với hệ thống giám sát trên không và trên biển. Các đồng minh của Mỹ cũng được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phối hợp này.

Theo ông Hanley Jr, nhiều thành viên SSG đã được bổ nhiệm vào các vị trí chỉ huy cấp cao của hải quân và họ cho tiến hành các cuộc tập trận theo chiến lược do nhóm đề xuất. Chuyên gia này khẳng định những cuộc tập trận giữa Mỹ và đồng minh được áp dụng theo chiến lược phối hợp giúp hải quân Mỹ tự tin không chỉ trong tác chiến mà còn trong việc hỗ trợ đồng minh khi xảy ra xung đột. Từ những đặc điểm trên, nhiều chuyên gia đánh giá những ý tưởng của SSG chính là tiền thân của khái niệm Chiến tranh không - biển (ABS) mà Mỹ đang áp dụng ở Thái Bình Dương.

Ứng dụng cho tình hình mới

Trong bài viết của mình, cựu Giám đốc Hanley Jr nhận định hải quân Trung Quốc đã thay thế Liên Xô trở thành thách thức lớn nhất cho lực lượng Mỹ trong khu vực. Theo ông, thách thức quân sự từ Trung Quốc tương tự quân đội Liên Xô trong đầu thập niên 1980. Thậm chí, Chiến lược phong tỏa - chống tiếp cận A2/AD của Trung Quốc hiện nay cũng được cho là học tập từ Liên Xô năm xưa. Vì thế, chuyên gia Hanley Jr cho rằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng các kết quả của SSG năm xưa cộng thêm cập nhật tình hình địa chiến lược mới sẽ rất có ích trong việc đánh giá ý đồ, khái niệm chiến lược và nhiều vấn đề tác chiến khác của hải quân Trung Quốc. Ông cho biết thêm SSG hiện vẫn đang hoạt động tích cực và báo cáo trực tiếp với đương kim Tham mưu trưởng hải quân Đô đốc Jon Greenert.

Chiến thuật “giấu” tàu sân bay

Trong bài viết đăng trên website Navweaps.com, cựu sĩ quan hải quân Mỹ Andy Pico hé lộ cách nước này che giấu tung tích nhóm tác chiến tàu sân bay tránh sự theo dõi chặt chẽ của hải quân Liên Xô. Điểm cốt lõi là nghi binh, phân tán sự chú ý của đối phương, khiến Liên Xô tin rằng nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ chưa tiến vào vùng biển mục tiêu. Theo ông Pico, khi hoạt động gần các khu vực do Liên Xô kiểm soát, nhóm tàu Mỹ phải di chuyển càng êm càng tốt đồng thời triển khai nhiều đội hình nghi binh dàn trải trên một vùng biển rộng lớn. Ngoài ra, hệ thống thám báo - giám sát phải hoạt động hết công suất để ứng phó sớm mọi phát hiện của đối phương bằng cách gây nhiễu hệ thống liên lạc hoặc cài thông tin giả. Vào ban đêm, nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ sử dụng một hệ thống phát sáng đặc biệt khiến người quan sát từ xa dễ nhầm tưởng đó là tàu thương mại hoặc du lịch. Cựu sĩ quan Pico tiết lộ nhờ chiến thuật nói trên mà tàu chiến, máy bay của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã nhiều lần hoạt động gần vùng biển Liên Xô mà không bị phát hiện.

Văn Khoa

>> Thủy phi cơ trong chiến lược biển châu Á - Thái Bình Dương
>> Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng đề cao chiến lược biển
>> Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev cảnh báo chiến tranh lạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.