Tiết lộ gây sửng sốt về hoàng thành Hà Nội từng lớn nhất ở Bắc kỳ

03/06/2020 10:35 GMT+7

Hoàng thành Hà Nội từng lớn nhất ở Bắc kỳ đã bị san phẳng hoàn toàn giai đoạn 1894 - 1897 được tiết lộ trong ký sự Một chiến dịch ở Bắc kỳ của tác giả Charles -Édouard Hocquard.

Mô tả về hoàng thành Hà Nội trong tác phẩm vừa được Omega+ và NXB Đà Nẵng ấn hành, tác giả người Pháp Charles-Édouard Hocquard kể lại: “Hà Nội có hoàng thành rộng lớn nhất khắp Bắc kỳ. Thành được xây khoảng năm 1804, dựa theo sơ đồ và dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp tới Nam kỳ năm 1789, họ là những người theo chân Đức Giám mục Pigneau de Béhaine tới giúp vua Gia Long khôi phục lại vương triều. Gia Long đã sử dụng vào việc xây dựng các thành, không chỉ ở Hà Nội, mà mọi thủ phủ của các tỉnh: Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định… Tất cả công trình đó đều được dựng từ một bản vẽ; mỗi thành có một tường bao ngoài cùng trổ cổng canh gác và đặt đại bác bảo vệ, tường bao thứ hai chạy quanh Điện Kính Thiên, các kho lẫm và một tòa tháp trung tâm. Quan viên đầu não của tỉnh và các kho lúa thu thuế của dân cũng được bố trí ngay trong khu vực đó”.

Thềm rồng hoàng thành Hà Nội

Ảnh: Charles-Édouard Hocquard

Nhằm giải đáp những tò mò của độc giả, Charles-Édouard Hocquard viết tiếp: “Nếu muốn hình dung một cách chính xác thành lũy thời chúng tôi đến ra sao, thì đó là một khoảng đất bằng, hình chữ nhật, cạnh dài nhất gần năm cây số. Khoảng đất này được bao quanh mọi phía bởi một tường lũy cao và dày xây bằng gạch. Tường lũy được bọc thêm ở phía ngoài bằng một con hào sâu ngập nước tù đọng. Bức tường bao quanh được trổ sáu cổng hoành tráng mà mỗi cổng lại dẫn ra phía ngoài bằng một cầu gạch bắc qua con hào. Đặt trên mỗi cổng đó là một chòi canh nhỏ có mái che, lối lên chòi canh là bậc thang bố trí phía trong tường thành. Trong chòi canh có lính được giao nhiệm vụ gác cổng. Ở trung tâm khoảng đất mà tường thành giới hạn này lại có một khu vực kín thứ hai; khu vực này cũng được che chắn mọi phía bởi một bức tường gạch: đó chính là trung tâm hoàng thành.”
Đặc biệt, trong trung tâm hoành thành Hà Nội là một công trình đồ sộ, chiều dài lớn hơn chiều rộng, xây trên một mảnh đất vuông vức, bốn mặt có tường bảo vệ kiên cố, gọi là Điện Kính Thiên. Sách đã dẫn miêu tả: “Một bậc thềm lớn dẫn lên sân; giới hạn mỗi bên của bậc thềm là lan can bằng đá granit chạm trổ tinh xảo những khối hình cuộn mà người An Nam cho là mây. Bậc thềm chia thành ba lối, một lối trung tâm và hai lối hai bên, bằng hai con rồng dài ít nhất hai mét và mỗi con được chạm trổ trong một khối đá granit xám duy nhất”.
Hoàng thành Hà Nội có lối kiến trúc tinh xảo và nhiều quy định… chết người: “Phía trong bức tường của khu trung tâm hoàng thành đối diện với thềm rồng này là một kiến trúc trổ ba cửa cạnh nhau. Đối với người hiểu phong tục An Nam thì cách sắp đặt này đủ để chỉ ra rằng đây là cung điện của nhà vua. Quan lại và các nhân vật của tiền triều không bao giờ được phép bước qua cửa chính, cửa này chỉ dành riêng cho vua, họ chỉ đi bằng cửa bên trái hoặc bên phải. Dưới thời vua Tự Đức, việc đi qua cửa dành riêng cho vua bị coi là khi quân phải chịu hình phạt xử tử”.

Điện Kính Thiên ở Hà Nội

Ảnh: Charles-Édouard Hocquard

Ngay phía trước trung tâm hoàng thành là một khối lập phương bề thế, bên trên vươn lên một tòa tháp được xây bằng gạch và cao chừng sáu hoặc bảy mét. Tháp này có sáu mặt; phía trong bố trí cầu thang hình xoắn ốc đón ánh sáng qua các ô cửa sổ nhỏ trổ ra ở những độ cao khác nhau. Cầu thang dẫn tới một bề mặt nằm trên đỉnh tháp và từ đó có thể bao quát miền quê phụ cận. Không xa nơi này là những tòa nhà lớn bằng gạch lợp mái ngói; đó là những kho gạo. Chính nơi đó ngài tổng đốc cất giữ sản phẩm thu thuế thường niên mà người An Nam đóng một phần lớn bằng hoa màu thu hoạch. Bên cạnh các kho gạo là nơi ở của quan lại cấp cao của tỉnh, gồm tổng đốc và hai quan coi sóc tài chính, luật pháp (quan bố chánh và quan án sát)…”.
Được biết, từ khi thành Hà Nội thất thủ vào tay Francis Garnier, quan lại An Nam ra ngoại thành sinh sống thì vùng đất mênh mông này được giới hạn ở trung tâm Điện Kính Thiên. Ở vòng thành ngoài, hầu như khắp nơi đều bị bỏ hoang và không người ở. “Đó là một vùng quạnh quẽ bao la, khiến cho kinh thành mang một vẻ buồn bã và hoang phế. Xưa kia nơi đây mọc lên rất nhiều nhà tranh là doanh trại của lính An Nam. Ước tính quân số của quân đội đồn trú Hà Nội là ba nghìn người, tất cả họ đều ở trong kinh thành. Nếu ta nghĩ rằng mỗi một người lính đó sống với gia đình, thì ta có thể hình dung sự náo nhiệt khủng khiếp ngự trị trong đồn lũy mênh mông này, mà ngày nay đã bị bỏ hoang và hủy hoại…”. Lời bình trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ như khép lại một thời kỳ hoàng kim của hoàng thành Hà Nội xưa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.