Tiết lộ thú vị của nữ họa sĩ... nhắm mắt vẽ bìa truyện 'Chúa Nhẫn'

18/10/2020 11:00 GMT+7

Bà Barbara Remington qua đời cách nay 9 tháng nhưng câu chuyện bà vẽ bìa cho loạt truyện Chúa tể những chiếc nhẫn vẫn khiến người đọc thấy thú vị. Đặc biệt khi loạt truyện này vừa lọt vào danh sách 100 truyện kỳ ảo hay nhất do Time bình chọn.

Có bao giờ bạn đọc qua loạt truyện đồ sộ Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) và thắc mắc bên cạnh thế giới kỳ ảo sinh động mà "cha đẻ" của bộ truyện là J.R.R. Tolkien (1892-1973) tạo nên, những ai là người góp phần đưa bộ truyện đến gần hơn với độc giả đại chúng không? Dĩ nhiên là không thể không kể đến công việc vẽ minh họa bìa sách của những họa sĩ chuyên nghiệp mà tên của họ đôi khi chỉ nằm lạnh lẽo trên quyển sách, người đọc đôi khi ít để ý đến.
Hồi tháng 2.2020, báo New York Times đăng tải câu chuyện thú vị về trường hợp của nữ họa sĩ quá cố Barbara Remington, người đã qua đời hồi tháng 1 năm nay do bệnh ung thư về việc bà đã... "nhắm mắt" vẽ bìa truyện Chúa tể những chiếc nhẫn như thế nào. Thực chất, bà Barbara Remington vẽ bìa cho loạt truyện có hơn 150 triệu bản in trên toàn thế giới (tính đến nay) nhưng chưa hề đọc qua sách, thế nhưng nó vẫn trở nên cuốn hút trong thập niên 1960. Lần đầu tiên trong ngần ấy năm, khi câu chuyện được đem ra ánh sáng, những người hâm mộ dòng truyện fantasy nói chung và truyện của J.R.R. Tolkien nói riêng mới bất ngờ về công việc thầm lặng đáng ngưỡng mộ này. 

Những bản vẽ của bà Barbara Remington cho loạt sách Chúa tể những chiếc nhẫn sau đó được hợp nhất lại thành một bức tranh đại cảnh

Ảnh: Heritage Auctions

Vẽ bìa khi bị... hối deadline

Có một sự thật thú vị là loạt truyện được đọc cực kỳ nhiều trong cộng đồng Anh ngữ cũng như trên khắp thế giới này trong gần sáu thập niên qua kể từ lần xuất bản đầu tiên (năm 1954) đã được rất nhiều nhà xuất bản, họa sĩ liên tục tạo nên những trang bìa minh họa khác nhau. Theo thống kê trên trang web Adazing.com, nhà văn quá cố J.R.R. Tolkien, vốn cũng là một tay vẽ minh họa cừ khôi, đã phác họa cho bộ ba truyện của mình và nó trở thành những minh họa đầu tiên cho thế giới Trung Địa giữa thập niên 1950, một vùng đất hư cấu rộng lớn trong Chúa tể những chiếc nhẫn
Trở về với câu chuyện của Barbara Remington, bà vẽ minh họa cho bộ ba quyển sách Chúa tể những chiếc nhẫn lẫn Anh chàng Hobbit (The Hobbit, được viết năm 1937, nội dung diễn ra trước các sự kiện trong Chúa tể những chiếc nhẫn) trong tình trạng... deadline "dí" tới tấp. Nhà xuất bản Ballantine Books khi ấy xuất bản loạt truyện của J.R.R. Tolkien nhưng lại giao bà dự án khá gấp, mặc dù trước đây nữ họa sĩ này từng làm việc với nhà xuất bản rất nhiều lần. 
Để kịp ngày giao "thành phẩm", không còn cách nào khác đó là bà Remington chấp nhận vẽ mà chẳng biết nội dung là gì trong đó. Bà trần tình khi còn tại thế: "Phía Ballantine rất gấp để kịp ra mắt loạt truyện với độc giả. Khi họ giao tôi dự án, tôi không kịp đọc sách, mặc dù tôi đã cố xin một bản sao từ bạn bè mình". Bà nói thêm: "Cuối cùng là tôi chẳng biết nội dung sách là gì. Do đó tôi đã tìm những người đọc chúng, nhưng mà mấy quyển sách này không dễ gì để mà tóm tắt nội dung. Tôi đã phác họa lại trong hết khả năng của mình". Dĩ nhiên một vấn đề đã xảy ra đó là bà đã... vẽ sai nhiều chỗ. 

Chân dung bà Barbara Remington

Ảnh: BUTCH COMEGYS

Loạt truyện Chúa tể những chiếc nhẫn kể về cuộc chiến của nhiều giống loài ở vùng đất Trung Địa để chống lại sự bành trướng quyền lực của Chúa tể Sauron thông qua chiếc Nhẫn Chúa do hắn ta đúc nên. Trong số những tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ loạt truyện này, có thể nhắc đến loạt phim cùng tên của đạo diễn Peter Jackson ra đời từ năm 2001 đến năm 2003. Bộ ba phim có tổng doanh thu gần 3 tỉ USD toàn cầu, thắng tổng cộng 17 giải Oscar từ 30 đề cử. Mới đây, tạp chí Time chọn bộ ba quyển truyện này vào danh sách 100 quyển truyện kỳ ảo vĩ đại nhất mọi thời đại

Đến cả J.R.R. Tolkien cũng choáng

Sự sai sót trong việc việc minh họa của bà Barbara Remington khiến cho tác giả của loạt truyện cũng bất ngờ với cách mà bà tưởng tượng về thế giới của ông bởi khi nhà văn còn sống, ông cũng đã xem qua "tác phẩm" của bà. Trang Adazing.com nhận xét về tác phẩm của nữ nghệ sĩ quá cố là "huyền bí, đầy ma thuật và trông nổi bật" từ "những màu sắc tươi tắn nhưng mang lại cảm giác về điều gí đó rất bí ẩn". Với J.R.R. Tolkien, tranh của bà Remington quả thật... bí ẩn đến mức không sao hiểu nổi. 

Nhà văn trả lời phỏng vấn vào năm 1968 về việc ông tạo nên chữ viết trong bộ truyện Chúa tể những chiếc nhẫn

Ảnh: Chụp màn hình BBC Archive

"Khi Tolkien nhìn vào một cái cây có quả trong tranh, ông ấy hỏi: "Mấy quả bí ngô làm gì trên mấy cành cây thế?". Những chúng đâu phải bí ngô, chắc chắn ông ấy không biết chúng là gì. Ông ấy còn cực kỳ lúng túng khi thấy mấy con sư tử trong tranh bởi vì chẳng có con sư tử nào trong truyện ông viết cả. Do đó ông đã yêu cầu nhà xuất bản bỏ chúng đi". Bên cạnh việc vẽ minh họa truyện Chúa tể những chiếc nhẫn, bà còn minh họa cho truyện khác, vẽ poster, minh họa cho tạp chí. 
Theo New York Times, bà Barbara Remington vẫn tỏ ra vui vẻ vì tác phẩm - bìa sách của bà được mọi người đón nhận rộng rãi. Bà bộc bạch: "Sau khi đọc truyện của ông ấy, tôi thấy mình là nỗi khiếp sợ của chính nhà văn Tolkien. Nếu tôi đọc truyện Chúa tể những chiếc nhẫn trước, có lẽ tôi sẽ không vẽ bìa sách đâu". 

Minh họa của J.R.R. Tolkien cho ba quyển truyện Chúa tể những chiếc nhẫn xuất bản từ năm 1954 đến năm 1955

Ảnh: Adazing.com

Tạm gác lại câu chuyện truyện của J.R.R. Tolkien được vẽ minh họa, hãy bàn đến chuyện chính ông minh họa cho truyện của mình. Ông không chỉ vẽ bìa sách cho những quyển sách Chúa tể những chiếc nhẫn, thế giới Trung Địa với vô vàn yếu tố mê hoặc độc giả còn được ông vẽ qua những bức tranh khác. 
Từ tháng 1 đến tháng 5.2019, một cuộc triển lãm tại bảo tàng Morgan Library & Museum ở thành phố New York (Mỹ) trưng bày nhiều tranh vẽ, bản thảo viết tay, văn tự của nhà văn J.R.R. Tolkien về thế giới trong loạt sách Chúa tể những chiếc nhẫn, Anh chàng Hobbit. Phía bảo tàng đã mượn những tư liệu này từ thư viện Bodleian (thuộc đại học Oxford, Anh) cùng nhiều nguồn khác để trưng bày cho người xem thấy rằng J.R.R. Tolkien không chỉ là một nhà văn mà còn là một cây bút tài hoa. Bên cạnh nghiệp viết lách, ông còn được biết đến là một giáo sư ngôn ngữ và văn học Anh. 

Bức tranh Conversation with Smaug được vẽ vào tháng 7.1937 bởi chính nhà văn cho bản in Anh ngữ đầu tiên ở thị trường Mỹ

Ảnh: Tolkien Estate

Bức tranh Bilbo comes to the Huts of the Raft-elves do nhà văn vẽ, đây là một trong 5 bức vẽ màu nước theo yêu cầu từ nhà xuất bản

Ảnh: Tolkien Estate

Bức tranh The Hill: Hobbiton-across-the Water được vẽ vào tháng 8.1937

Ảnh: Tolkien Estate

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.