Tiết lộ thú vị về 4 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam vừa xác lập

24/12/2020 10:18 GMT+7

Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa xác lập cho các kỷ lục gia Việt Nam 4 kỷ lục châu Á mới.

Kỷ lục châu Á đầu tiên thuộc về kỷ lục gia Võ Thị Kim Hoàng (Nam Hương, sinh năm 1948) - Người phụ nữ sở hữu 13 bộ sưu tập đa dạng chủng loại nhất được sưu tầm trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở tuổi 73, bà đã có cuộc hành trình trên nửa thế kỷ, với 53 năm để miệt mài sưu tập các hiện vật ở 100 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…

Kỷ lục gia châu Á mới Võ Thị Kim Hoàng (Nam Hương) (trái)

Bộ sưu tập ấm trà với 1.050 chiếc của kỷ lục gia Võ Thị Kim Hoàng (Nam Hương)

Bộ sưu tập đồng hồ đeo tay với 5.273 chiếc trong đó có 9 chiếc đồng hồ Patek Philippe được cấp “khai sinh” từ chính hãng đồng hồ Thụy Sĩ – loại đồng đồ hạng nhất và hiếm có nhất trên thế giới của kỷ lục gia Võ Thị Kim Hoàng (Nam Hương)

Ảnh: Tổ chức kỷ lục VN

Bà từng thiết lập tới 15 kỷ lục Việt Nam tính đến nay với 13 bộ sưu tập đa chủng loại được dày công thực hiện, như: Bộ sưu tập đồng hồ đeo tay với 5.273 chiếc trong đó có 9 chiếc đồng hồ Patek Philippe được cấp “khai sinh” từ chính hãng đồng hồ Thụy Sĩ – một trong những loại đồng đồ hạng nhất và hiếm có nhất trên thế giới; Bộ sưu tập ấm trà với 1.050 chiếc; Bộ sưu tập dây thắt lưng với 2.016 chiếc;  Bộ sưu tập 5.273 chiếc khăn choàng; đặc biệt là bộ sưu tập 4.225 con tem từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 29 con tem từ 30 năm đến trên 100 năm)....
Đối với kỷ lục gia Kim Hoàng, đó là một kho báu vô giá, phong phú mà quãng thời gian thanh xuân bà gần như dành trọn để sưu tầm. Bà cho biết: "Không chỉ là đam mê, sở thích mà đó là một hành trình xuyên không gian và cả thời gian để tìm kiếm, lưu giữ những tác phẩm mà những người thợ, những nghệ nhân trong và ngoài nước đã sáng tạo, thực hiện. Hành trình ấy là tâm huyết, là sức lực, là của cải, thậm chí cả máu và nước mắt, khó có thể nói hết thành lời".
Vì vậy, kỷ lục gia Kim Hoàng mong muốn sớm tổ chức các cuộc triển lãm hoặc xây dựng nên một bảo tàng về thời trang, nghệ thuật tư nhân trong tương lai, là nơi lưu giữ và quảng bá các giá trị di sản văn hóa của quốc gia và thế giới thông qua các hiện vật lịch sử đa dạng về phong cách, phong phú về nguồn gốc, chất liệu, và những tính năng, đặc trưng khác nhau. Bởi theo bà, đó là cách tốt nhất để những bộ sưu tập này không dần mai một đi theo năm tháng, trở thành những giá trị về văn hóa, thời trang của Việt Nam và thế giới qua nhiều thời kỳ.
Chùa Giác Ngộ và Nghệ nhân Thư pháp Võ Dương cũng được xác lập kỷ lục châu Á với kỷ lục Quyển sách Kinh Phổ Môn viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất. Được biết, nghệ nhân Võ Dương bắt tay phụng bút sao chép lại cuốn Kinh Phổ Môn do Thượng Tọa Thích Nhật Từ soạn dịch và cố vấn thêm về nội dung. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Thạo điêu khắc gỗ và chạm trổ.

Cuốn Kinh Phổ Môn

Cuốn kinh được khóa lại bằng một ổ khóa hình bông sen bằng đồng. Ngoài ra, phần đế để cuốn Kinh là một gốc gỗ căm xe tạc hình một cụ rùa. Cuốn kinh có chiều ngang 89cm, chiều dài 165cm, chiều cao phần gáy sách 35cm, tổng trọng lượng khoảng 600kg

Ảnh: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam
Cuốn kinh được làm trong 6 tháng từ tháng 2 đến tháng 8.2020, bìa sách làm bằng gỗ căm xe chạm nổi Phật Quan Âm ẵm em bé, ẩn sau Phật Quan Âm là bản đồ Việt Nam, bên trên có dòng chữ Kinh Phổ Môn được dát vàng. Bên trong là 95 trang kinh được viết một mặt bằng thư pháp chữ Việt trên chất liệu vải bố, dùng mực acrylic, mặt sau in hình 3D hoa sen trên nền vải canvas. Bên trong xen kẽ bức tranh và bài Chú Đại Bi, 2 bức tranh đá quý Phật Quan Âm, 1 bức tranh sơn dầu Phật Quan Âm, những bức tranh này có thể tháo rời ra trưng bày riêng. Cuốn kinh được khóa lại bằng một ổ khóa hình bông sen bằng đồng. Ngoài ra, phần đế để cuốn kinh là một gốc gỗ căm xe tạc hình một cụ rùa. Cuốn kinh có chiều ngang 89cm, chiều dài 165cm, chiều cao phần gáy sách 35cm, tổng trọng lượng khoảng 600kg.
Kỷ lục tiếp theo thuộc về Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Vĩnh Phúc - Nông trại Du lịch Sinh thái có cây cầu gỗ nguyên khối làm đà cầu dài nhất. Cây cầu gỗ lợp ngói bắc qua suối tại nông trại của Công ty CP Vĩnh Phúc có tên là cầu Đồng Phú, kiểu dáng nhà cổ ở Huế, hình chữ “công”, cột kèo bằng gỗ da đá, mái lợp ngói bát tràng Hà Nội. Cầu dài 72m tính cả phần dẫn bê tông, rộng 3,6m, chiều dài nhà gỗ lợp ngói 27m, phần nhà chờ ở hai đầu có diện tích 6,3m x 6,3m, sàn gạch Hạ Long. Cầu chia làm 6 gian, hai gian giữa có cổ lầu, sàn và lan can bằng gỗ gõ đỏ. Giữa sàn là 6 khung kính cường lực để nhìn thấy cây gỗ đà cầu. Ý tưởng ban đầu của ông Trần Văn Tấn - chủ nông trại và là Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Phúc. Ông mong muốn bảo tồn cây gỗ quý, đồng thời làm đường giao thông nội bộ, tạo cảnh đẹp sinh thái và phục vụ khách tham quan khi ghé thăm nông trại. Công trình sau đó được giao cho kỹ sư Nguyễn Văn Khanh thiết kế và các nghệ nhân làng mộc Nam Định thực hiện. Cây cầu từng được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2018 và nay được xác lập kỷ lục châu Á.
Ngoài ra, kỷ lục Con Rồng được tạo hình bằng đá bán quý lớn nhất châu Á của Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập. 4 kỷ lục châu Á mới được ghi nhận đã phần nào nói lên sức sáng tạo không ngừng nghỉ của các kỷ lục gia Việt Nam.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.