Tiết lộ về hoạn quan thời Lê - Nguyễn và chuyện bí mật danh tướng Lý Thường Kiệt

13/02/2021 14:58 GMT+7

Chuyện anh em danh tướng Lý Thường Kiệt tự thiến một phần cơ thể nhằm bày tỏ lòng trung thành với vua, sau này nổi tiếng với nhiều chiến công hiển hách. Dù không là hoạn quan, nhưng qua ông nhiều chuyện về giới này được hé lộ…

Viết về tầng lớp hoạn quan, trước khi nói đến anh em nhà Lý Thường Kiệt, trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức vừa ấn hành), viết: "Giữa chốn cung đình, tuy chỉ làm công việc phục dịch, song dạng quan này cũng có phẩm phục riêng. Theo sách Hậu Hán du phục chí của nhà Hậu Hán, hoạn quan thời đó đội mũ trùm đầu không vành viền vàng, thêu hình con ve sầu và một cái đuôi chuột. Các nhà sử học giải thích là các hoạn quan được so sánh với loài ve vì loài này chỉ sống bằng sương mai và biết giữ gìn sự trong sạch, còn cái đuôi chuột tượng trưng cho một loài vật nhanh nhẹn, giỏi luồn lách các ngõ ngách trong nhà”.

Các thái giám không còn được sủng ái vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Ảnh: T.L

Đặc biệt, y phục đại lễ của hoạn quan cao cấp ở triều Nguyễn có màu xanh lục, riêng các cấp khác màu xanh dương, nơi ngực thêu một bông hoa to màu xanh lục nổi lên trên. Sách đã dẫn cho biết: “Theo ký sự của Jean Koffler, một giáo sĩ từng làm y sĩ riêng của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát vào những thập niên 1740-1750, các viên quan đứng đầu Giám ban giữ những nhiệm vụ hết sức quan trọng, một người quản lý ngân khố triều đình, thu tiền thuế, thanh toán mọi chi tiêu trong cung đình, còn hai người kia phụ trách việc giao thương với người nước ngoài, và chỉ có họ mới được phép bán vàng, sắt, ngà voi… cho thương nhân châu Âu”.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn phân tích: “Điều này cho thấy thâm ý của chúa Trịnh là muốn biến hàng hoạn quan thành một thế lực hậu thuẫn cho nghiệp chúa của mình. Tất nhiên, hậu quả có thể thấy được là sự lộng quyền của một thành phần quan lại trước đây bị coi thường, chỉ chuyên phục dịch trong cung cấm”.
Tuy nhiên, qua các triều Đồng Khánh (1885-1889), Thành Thái (1889-1907), thì cũng đã có những thay đổi nhỏ trong quy chế thái giám, chủ yếu là về lương bổng hằng năm. Riêng triều Thành Thái, trong cung có 15 thái giám, thì 5 người phụ coi lăng tẩm tiên đế, 2 người phục dịch Hoàng thái hậu, số còn lại lo các việc trong cung cấm. Đến triều Duy Tân, từ năm 1914, tuy triều đình không chính thức bãi bỏ tầng lớp hoạn quan, nhưng từ đó về sau không tuyển mới nữa .

Lý Thường Kiệt - danh tướng anh hùng 'phá Tống, bình Chiêm' 

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tiết lộ thêm: “Do hoạn quan là những người không có bộ phận sinh dục, bộ phận sinh dục không phát triển bình thường, hoặc ái nam ái nữ, nên họ được tuyển vào cung theo những thể thức khá đặc biệt. Tại các làng mạc, những gia đình nào sinh con thuộc vào các dạng trên phải trình báo ngay cho quan địa phương biết để cử người xuống khám xét kỹ càng. Nếu xác nhận đứa bé “đạt yêu cầu”, quan địa phương làm tờ tấu gửi về triều để nơi đây vào sổ bộ, mặt khác thông báo cho gia đình đứa bé biết để nuôi dạy cho tốt, chờ ngày tiến cử vào cung. Đến khi đứa bé được khoảng 13 tuổi, bộ Lễ chọn ngày lành tháng tốt rước vào cung, khởi đầu cuộc đời một hoạn quan”.

Nhân vật Thái giám của triều Nguyễn qua tranh xưa sưu tầm được

Ảnh: T.L Vũ Kim Lộc

Cũng theo tác giả Lê Nguyễn: Quan niệm thời phong kiến, việc sinh hạ được một đứa con đủ điều kiện làm hoạn quan là một may mắn, vừa là vinh dự, chẳng những cho cha mẹ đứa bé, mà còn cho cả làng xã sở tại. Về quyền lợi, cha mẹ hoạn quan được miễn sưu thuế và được hưởng một khoản trợ cấp bằng tiền thuế của 17 dân đinh gộp lại. Làng xã sở tại cũng hi vọng được hưởng ân sủng của triều đình do vị quan xuất thân từ làng mình ban phát. Chính điều này đã đẻ ra nhiều trường hợp lạm dụng, có người xin trẻ em các gia đình nghèo khó về nuôi rồi thiến đi để sau này đưa chúng vào cung.
Chính vì thế, điều 244 bộ Hình luật thời đó qui định rõ: “không một gia đình viên chức hay thường dân nào được xin con nuôi rồi thiến chúng”.
“Tuy nhiên, theo Philastre, một viên chức Pháp khá giỏi Hán - Nôm, điều khoản trên chỉ có hiệu lực đối với dân thường, các gia đình quyền quý vẫn được cho thiến những đứa con nuôi. Riêng triều Lý, các quan lại có lệ tự thiến để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy với nhà vua. Tiêu biểu cho trường hợp này là hai anh em Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến", sách đã dẫn cho biết.
Trao đổi thêm với chúng tôi sáng 13.2, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn hé lộ thêm: "Anh em nhà Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến là hai vị đại thần quá tuyệt vời. Họ đã tự mình thiến mất đi một phần cơ thể để thể hiện lòng trung thành với đức vua, vừa để có đầy đủ các điều kiện được phục vụ trong triều đình. Đặc biệt, sau này tướng Lý Thường Kiệt là người đã lập nên công trạng hiển hách trong lịch sử từng được ghi nhận .Ông đóng vai trò quyết định trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống của vương triều Lý và tên ông được đặt ở nhiều đường phố tại Việt Nam hiện nay".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.