Tiết lộ về mật mã Cầu London

20/03/2017 10:31 GMT+7

“Cầu London đã đổ” là dòng mật mã đánh động thế giới về sự băng hà của nữ hoàng Anh, kích hoạt một chuỗi các sự kiện được bí mật diễn tập trong nhiều thập niên.

Thông tin chưa từng có về “Kế hoạch Cầu London”, tức những gì sẽ diễn ra khi nữ hoàng Anh băng hà, đã được tiết lộ một cách chi tiết, theo tờ The Guardian. Phiên bản hiện tại của Chiến dịch Cầu London phần lớn là tác phẩm của trung tá Anthony Mather, người từng dẫn đầu nhóm hộ tang bên cạnh quan tài của thủ tướng Winston Churchill năm 1965.
Kế hoạch đầu tiên được đưa ra vào thập niên 1960, trước khi được hoàn thiện từng chi tiết theo thời gian. Đến cuối thế kỷ 20, mỗi năm lại có 2 hoặc 3 đợt họp hành liên quan đến vấn đề này. “Tôi có sẵn một cuốn sách hướng dẫn dày đến gần 10 cm”, theo một giám đốc đài truyền hình. Trong khi đó, Đài BBC được cho là đã nhiều lần tổ chức diễn tập cách thức phát “tin buồn” trọng đại này.
Kiểm soát luồng tin tức
Theo những kế hoạch chuẩn bị cho tang chế của Elizabeth II, hiện 90 tuổi, được lưu giữ tại Điện Buckingham, chính phủ và Đài BBC, các thành viên hoàng gia và bác sĩ sẽ túc trực bên cạnh giường của bà. Bác sĩ riêng của nữ hoàng là Giáo sư, bác sĩ Huw Thomas sẽ chịu trách nhiệm trong thời khắc cuối cùng của nữ hoàng, bao gồm theo dõi bệnh nhân, kiểm soát việc ra vào phòng bệnh và cân nhắc thông tin nào nên được công bố.
Sau khi bác sĩ Thomas theo dõi tình hình và đưa ra lời thông báo cuối cùng, Thái tử Charles sẽ trở thành vị quân chủ kế tiếp của Anh quốc. Quan chức đầu tiên tiếp nhận việc xử lý tin tức này sẽ là ngài Christopher Geidt, thư ký riêng của nữ hoàng, người sẽ liên lạc với thủ tướng.
Từ Trung tâm phản ứng toàn cầu trực thuộc Bộ Ngoại giao, tin tức sẽ được truyền đến 15 chính phủ ngoài Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và 36 nước khác trong Khối thịnh vượng chung. Trong một giai đoạn chưa xác định, tin tức nữ hoàng băng hà sẽ bị giữ kín trước công chúng. Các thủ hiến, đại sứ và thủ tướng sẽ là những người được thông báo trước tiên.
Kế đến là Hãng thông tấn Press Association và trong tích tắc sẽ là toàn bộ phần còn lại của thế giới. Cũng trong lúc này, một người lính vận tang phục sẽ lộ diện ở cổng chính của Điện Buckingham và dán cáo phó viền đen lên cổng. Website của cung điện sẽ thông báo tin buồn trên nền đen.
Tại Đài BBC, “hệ thống truyền tin cảnh báo vô tuyến” (Rats) sẽ được kích hoạt. Đây là một phần của khâu chuẩn bị cho cái chết của các thành viên Hoàng gia Anh được BBC duy trì từ thập niên 1930. Những người chỉnh nhạc trên các đài phát thanh thương mại trên nước Anh sẽ cho chạy các bản nhạc “vô thưởng vô phạt” trước khi chuyển sang đọc tin phát tang ngay lúc nhận được thông báo. Mỗi đài đều chuẩn bị sẵn danh sách các bài hát từ “Mood 2” (buồn) hoặc “Mood 1” (não ruột nhất) để ngay lập tức phát sóng trong bất kỳ thời điểm nào. Trên truyền hình, các phát thanh viên sẽ mặc bộ vest đen với cà vạt cùng màu, mọi chương trình giải trí đều ngưng lại, quốc thiều sẽ được phát…

tin liên quan

6 đặc quyền kì lạ của Nữ hoàng Elizabeth II
Sở hữu tất cả thiên nga ở dòng sông Thames và cá heo ở vùng biển nước Anh, sa thải toàn bộ Chính phủ Úc, không cần bằng lái xe,... là những đặc quyền thú vị của Nữ hoàng Elizabeth II.
10 ngày đau buồn
Kịch bản cũng được vạch sẵn cho trường hợp nữ hoàng không tạ thế ở Điện Buckingham, để đảm bảo thi thể nữ hoàng được đưa về phòng ngai vàng ở cung điện này. Chuông nhà thờ vang lên khắp nước. Chuông Sebastopol ở Windsor, chỉ vang lên mỗi khi một vị quân chủ qua đời, sẽ cất tiếng và mỗi tiếng chuông đại diện cho một năm ngự trị. Người chịu trách nhiệm cho toàn bộ tang lễ sẽ là công tước thứ 18 của Norfolk, do các quý tộc xứ Norfolk luôn nắm vai trò này từ năm 1672. Thái tử sẽ lên ngôi tại cung điện St James trong vòng 24 giờ kể từ khi nữ hoàng tạ thế và ngay lập tức kinh lý đến Edinburgh, Belfast và Cardiff.
Vào ngày đầu tiên sau khi nữ hoàng qua đời, lưỡng viện quốc hội, hội đồng cơ mật sẽ được triệu tập, công sở sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ, và cơ trưởng các chuyến bay sẽ thông báo tin buồn cho hành khách. London sẽ bận rộn chuẩn bị tiếp đón các phái đoàn hoàng gia trên toàn thế giới cũng như giới nguyên thủ toàn cầu đến chia buồn.
Đến ngày thứ 5 (D+4), quan tài được trang hoàng đủ loại đá quý sẽ được chuyển đến cung điện Westminster trong suốt 4 ngày, và lễ diễu binh sẽ được tiến hành rầm rộ dọc theo các tuyến đường dự kiến sẽ chứa được 1 triệu người quan sát. Trước bình minh ngày thứ 10, toàn bộ đá quý được gỡ khỏi quan tài, trong đó có “Ngôi sao châu Phi”, viên kim cương được mài dũa lớn thứ hai trên thế giới. Toàn quốc hầu như không làm việc. Quan tài sẽ được chuyển đến Tu viện Westminster cách đó vài trăm mét.
Đúng 11 giờ, khi quan tài chạm ngõ tu viện, cả nước Anh đều ngừng lại để mặc niệm. Sau khi hoàn tất tang lễ ở đây, xe tang sẽ khởi hành đưa quan tài về lâu đài Windsor bằng đường bộ (37 km), trước khi đưa vào hầm mộ hoàng gia. Lúc này, mọi máy quay sẽ ngừng lại, chấm dứt thời gian đau buồn của Vương quốc Anh và đón chào triều đại mới.
Những mật mã tang lễ Hoàng gia Anh
Theo thông lệ, hoạt động kích hoạt tang lễ của nữ hoàng sẽ được đề cập dưới dạng một đoạn mật mã nhằm ngăn chặn tin tức bị lộ ra ngoài. Đối với Nữ hoàng Elizabeth II, các công chức chính phủ sẽ nói “Cầu London đã đổ” khi trao đổi thông qua các kênh liên lạc. Mật mã cho tang lễ hoàng thân Philip, phu quân của nữ hoàng, là Cầu Forth. Mật mã lúc trước vua George VI, phụ hoàng của Nữ hoàng Elizabeth II là Góc công viên Park.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.