Tiết lộ vì sao ca khúc ‘Ly rượu mừng’ bị cấm hát 40 năm

01/01/2017 10:00 GMT+7

Giai điệu tự hào Xuân và tuổi trẻ cho biết chỉ vì chữ “đời lính” mà ca khúc Ly rượu mừng đã bị cấm hát 40 năm.

Ca khúc được chọn kết thúc chương trình giai điệu tự hào tối 31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Một trong những lý do để ly rượu đó gây xúc động đến thế chính là nó đã từng bị cấm hát trong suốt 40 năm. Trong khi, trước lệnh cấm, theo nhà báo Nguyên Minh, đó là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam. Ca khúc phổ biến đến mức, cứ có xuân là phải có Ly rượu mừng. “Bài hát có những câu như bài vè. Nó nhắc và quy tụ hầu hết tầng lớp dân cư. Có anh nông phu lúa thơm hơi, người thương gia lợi tích, người công nhân ấm no, người binh sĩ lên đàng”, nhà báo chuyên mảng âm nhạc này nói.
Cũng theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ.
Hội đồng bình luận đều xúc động trước Ly rượu mừng Ảnh BTC cung cấp
Ông Nguyên Minh cũng cho biết, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”, ông Minh nói.
Ly rượu mừng cũng đánh dấu một mốc về biểu diễn trong lịch sử âm nhạc nước ta. Nói đến Ly rượu mừng là nói đến ban hợp ca Thăng Long, ban hợp ca nổi tiếng nhất Sài Gòn. Ban hợp ca gồm 5 người: nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bà Khánh Ngọc vợ ông, bà Thái Hằng vợ nhạc sĩ Phạm Duy, bà Thái Thanh và ông Phạm Đình Viêm. “Đây là một ban hát tiên phong những năm 1950. Với Ly rượu mừng lần đầu tiên có hát hợp ca, còn trước đó không hề có”, ông Nguyên Minh nói.
Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12.2016, bài ca cũng được tái hiện với sự thể hiện của hai nữ ca sĩ Bảo Trâm, Ngọc Khuê và nhóm Dòng thời gian trên nền nhạc valse rộn ràng. Nó một lần nữa lại gợi lại Ly rượu mừng của Hợp ca Thăng Long thủa nào. Phần biểu diễn Ly rượu mừng sau đó nhận được 4/10 bình chọn của Hội đồng bình luận để trở thành bài hát hay nhất chương trình.
Bài hát có số phiếu của hội đồng giám khảo ngang với Ly rượu mừng chính là Mơ hoa của nam sĩ Erik với âm hưởng điệu bosanova. Lý do được những người bầu chọn đưa ra là bầu cho cái mới. Bài hát chủ đề chương trình Xuân và tuổi trẻ nhận được 2 phiếu của hội đồng.
Giai điệu tự hào Xuân và tuổi trẻ với những bài hát dòng tân nhạc đã rộn ràng, lả lướt gần như từ đầu đến cuối trong những điệu nhảy. Nếu bài hát Xuân và tuổi trẻ rộn ràng với Rumba thì Sơn nữ ca lại mang nền nhạc Tango, Mơ hoa say lòng với bosanova. Cũng có cả kỹ thuật nối bài hát mà nhạc sĩ Thanh Phương đã thực hiện khi phối hai ca khúc Bóng chiều xưaChiều cạnh nhau. Vẻ đẹp của tân nhạc hiện ra, dù mới chỉ qua chưa đến 10 ca khúc, đã khiến người ta muốn được nghe nó nhiều hơn.
Đúng như MC Diễm Quỳnh chia sẻ, đó là “những vùng giai điệu tự hào mà chúng ta chưa chạm tới dù chúng rất lóng lánh”.
Erik nhận được nhiều phiếu bình chọn với Mơ hoa Ảnh BTC cung cấp
Hoàng Hải hát Em đến thăm anh một chiều mưa Ảnh BTC cung cấp
Hà Anh Tuấn hơi rườm rà với Dư âm Ảnh BTC cung cấp
Nhật Thủy và Lê Anh Dũng song ca liên khúc Bóng chiều xưa và Chiều Ảnh BTC cung cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.