Đã 7 tháng từ ngày gia đình tài năng 14 tuổi của làng bơi VN Nguyễn Diệp Phương Trâm đệ đơn xin cho con mình chấm dứt hợp đồng với đơn vị chủ quản (Sở VH-TT TP.HCM), vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Phương Trâm được xem là Ánh Viên thứ hai của làng bơi VN - Ảnh: Khả Hòa
|
Thắng cả Ánh Viên
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, người đại diện cho gia đình tay bơi Phương Trâm, cho biết đến nay ông cùng phía TP.HCM đã 2 lần hòa giải tại tòa nhưng bất thành. Dự kiến vào tháng 11 tới, hai bên tiếp tục đến tòa hòa giải lần thứ 3 nhưng nhiều khả năng sẽ phải ra tòa xét xử. “Hiện gia đình Phương Trâm đồng ý đền bù chi phí đào tạo nhưng ở mức 243 triệu đồng trong khi phía TP.HCM vẫn giữ nguyên mức đền bù 961 triệu đồng. Đến nay, theo hóa đơn chứng từ của TP.HCM, số tiền mà gia đình Phương Trâm phải đền bù sẽ không dưới 600 triệu đồng. Nếu đạt được thỏa thuận hợp lý về chi phí đền bù, vụ việc sẽ được tháo gỡ. Ngặt nỗi gia đình tài năng bơi này lại khó khăn về tài chính”, luật sư Thế Trạch nói.
May mắn cho Phương Trâm khi cô được Trung tâm HLTTQG TP.HCM cho phép ăn, ở, luyện tập tại đây trong biên chế đội dự tuyển QG. Tại giải vô địch QG diễn ra những ngày qua tại Đà Nẵng, Phương Trâm là VĐV đặc biệt khi không có đơn vị đầu quân nên đành thi đấu tự do, khoác áo Trung tâm HLTTQG TP.HCM.
Dù “cô đơn” giữa làng bơi nhưng bằng tài năng của mình, Phương Trâm thi đấu rất thành công. Ở 2 nội dung 50 m bướm và 50 m tự do, cô qua mặt đàn chị Ánh Viên, đoạt HCV đồng thời phá kỷ lục QG. Ở các nội dung khác, cô cũng chỉ chịu thua trước Ánh Viên. HLV Đặng Anh Tuấn nhiều lần đánh giá rất cao khả năng của Phương Trâm mà theo ông, nếu được đầu tư tốt, tay bơi nhí này hoàn toàn trở thành Ánh Viên thứ 2 của làng bơi VN. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng lo ngại những tranh chấp kéo dài sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý, dễ khiến VĐV trẻ này chán nản, bỏ cuộc sớm khiến làng bơi VN mất thêm 1 tài năng.
Cần thay đổi cách làm
Nói đến chuyện đầu tư tìm tài năng, hơn 10 năm trước thể thao TP.HCM đã từng làm cú đột phá khi đưa ra sáng kiến chương trình “thế hệ vàng”, tập hợp khoảng 30 VĐV trẻ ưu tú nhất của nhiều môn như bơi, điền kinh, võ thuật, quần vợt... để đưa sang nước ngoài tập huấn dài hạn trong 5 năm, với ngân sách lên đến khoảng 2,5 triệu USD (khoảng 50 tỉ đồng).
Ông Trần Văn Mui, nguyên Phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM, là một trong những người lĩnh xướng chương trình này, cho biết ý tưởng của TP.HCM khi đó rất tốt nhưng cách làm có vài va vấp, chủ yếu ở khâu tuyển chọn nên đã có vài trường hợp được đưa đi đào tạo về chẳng đóng góp được gì. Một số VĐV khác cũng có vài thành tích nhưng không đáng kể và quan trọng là không vượt trội nên sau thời gian thi đấu cũng chẳng tiến bộ hơn. Do vậy đến nay thế hệ vàng này gần như “biến mất”.
Chính vì cú sốc đó mà sau này thể thao TP.HCM đã loay hoay tìm hướng đầu tư với cách làm đôi lúc dàn trải. Nhưng hy vọng “đãi cát tìm vàng” này cũng chẳng khá hơn. Suốt gần 10 năm qua 2 cái tên Nguyễn Tiến Minh và Lê Quang Liêm đã mang đến niềm vui và tự hào cho thể thao TP.HCM, tuy nhiên sự đầu tư chủ yếu đến từ gia đình và nỗ lực tự thân của các VĐV này. Cũng may là họ không “dứt áo” ra đi, bởi với tài năng và phong độ của mình, nếu muốn có sự đầu tư tốt hơn thì sẽ có nhiều nơi giang tay đón họ về đầu quân. Như Tiến Minh từng được Becamex Bình Dương tài trợ khi anh trong top 10 thế giới.
Do vậy, thể thao TP.HCM cần phải có những giải pháp căn cơ từ cách làm và chế độ đãi ngộ để đào tạo và nuôi dưỡng tốt tài năng. Chứ nếu cứ tiếp tục để xảy ra tình trạng “chảy máu” này thì các bậc phụ huynh sẽ khó lòng cho con mình theo đuổi đam mê, cống hiến cho thể thao TP.HCM.
Bình luận (0)