Tiểu bậy có thể bị phạt đến 3 triệu đồng: Phạt sao cho tâm phục khẩu phục

08/02/2017 10:35 GMT+7

Nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với việc tăng mức phạt tiền hành vi tiểu bậy, xả rác, nhưng cũng băn khoăn về việc lực lượng xử phạt làm không xuể, thiếu nhà vệ sinh công cộng... có thể khiến người bị phạt chưa tâm phục khẩu phục.

Hoan nghênh !
Thỉnh thoảng khi đi đường lại bắt gặp một số người thản nhiên phóng uế nơi công cộng, thấy rất phản cảm. Những hình ảnh ấy khiến những người qua lại cũng thấy xấu hổ, vậy mà không hiểu sao “người trong cuộc” lại vô tư thế? Tôi hoan nghênh quy định xử phạt nặng các hành vi này. Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh đối với hành vi vừa hút thuốc vừa lái xe trên đường, hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, vứt rác sang nhà hàng xóm…
Nguyễn Thị Thu Vân (Q.5, TP.HCM)

tin liên quan

Người tiểu bậy có thể bị phạt đến 3 triệu đồng
Ngày 6.2, UBND Q.1 (TP.HCM) ra quân xử phạt tiểu bậy nơi công cộng. Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ huy lực lượng trật tự đô thị, công an với khoảng 30 người đi kiểm tra tình trạng tiểu bậy trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận.
Để người dân tâm phục
Nhiều người nói chấp nhận… tè bậy và bị xử phạt còn hơn là bể… thận. Lý do là không tìm được nhà vệ sinh công cộng hoặc một nơi nào đó để “xả nước trong người”. Do đó, để quy định xử phạt được người dân tâm phục khẩu phục, trong khi chưa đủ nhà vệ sinh công cộng thì nhà nước cần quy định bắt buộc các cây xăng, siêu thị, thậm chí quán cà phê… cho phép người có nhu cầu đi tiêu, tiểu được sử dụng nhà vệ sinh. Đồng thời phải đẩy nhanh việc xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng. Khi đã có chỗ để “xả” mà vẫn tè bậy thì bị xử phạt không ai cãi được.
Võ Anh Thư (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Xử phạt phải công bằng
Cái khó nhất trong việc áp dụng quy định này là làm sao xử phạt một cách công bằng. Làm sao để ai tiểu bậy, xả rác đều bị phạt. Hơn thế, nếu phạt thì phải phạt cho đến nơi đến chốn, không nên làm nửa vời rồi bỏ, khiến người vi phạm “lờn luật”.
Tô Hồng Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
Áp dụng biện pháp mạnh
Tôi đề nghị lực lượng xử phạt cần mang theo chiếc loa, khi phát hiện có người tiểu bậy, xả rác thì sẽ loa to lên để nhiều người cùng chứng kiến. Sau đó, lập biên bản xử phạt, đồng thời buộc người vi phạm phải dọn sạch rác mình vừa vứt hoặc vệ sinh nơi vừa phóng uế. Sau khi người vi phạm đóng phạt thì gửi giấy phạt về cho địa phương, buộc người này phải lao động công ích. Với biện pháp mạnh như vậy thì sẽ dẹp bỏ được những hành vi thiếu ý thức nơi công cộng.
Nguyễn Quý Bình (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

tin liên quan

Xử phạt gần 400 trường hợp tiểu bậy
Ngày 16.1, lực lượng trật tự đô thị Q.1 (TP.HCM) với gần 500 người phối hợp Công an Q.1 đã ra quân lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, xử phạt vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực trung tâm TP.
Cùng chung tay
Việc xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy là cần thiết nhưng chưa đủ. Nhà nước cần tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định này đến với từng hộ dân. Bên cạnh đó, nhà trường, các cơ quan, xí nghiệp cũng phải vận động, tuyên truyền cho các thành viên để xây dựng môi trường sống sạch, đẹp, văn minh.
Trần Phương (H.Củ Chi, TP.HCM)
      
Tiểu bậy, xả rác bừa bãi, hút thuốc lá nơi công cộng... đều là những hành vi cần thiết phải xử phạt. Luật đã có nhưng vấn đề là ai phạt, phạt ra làm sao? Những hành vi này hiện nay rất phổ biến thì lực lượng nào xử lý cho xuể? Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có lực lượng chuyên trách giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm như xả rác, tiểu bậy, hút thuốc, hát karaoke quá to...
Phạm Văn Kiên (Q.8, TP.HCM)
       
Chỉ sau một thời gian tăng cường lực lượng kiểm tra và xử phạt hành vi tiểu bậy, khu vực Q.1, TP.HCM đã bớt đi những hình ảnh phản cảm này. Người Việt vốn có tâm lý sợ người xử phạt chứ không sợ luật, do đó lực lượng kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm này phải đông, túc trực và thực hiện thường xuyên mới phát huy hiệu quả.
Võ Thị Phương Ánh (Q.6, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.