Tiêu chảy cấp tùy theo đặc tính gây bệnh của tác nhân và cơ địa của người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi... Diễn biến của bệnh phức tạp, nếu được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ khỏi bệnh, thường không để lại di chứng.
Luôn nhớ rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn |
shutterstock |
Nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tuần hoàn… có thể tử vong (đối với người già, mắc bệnh mạn tính, trẻ em…). Trong cộng đồng, tiêu chảy cấp có thể biểu hiện là những ca bệnh lẻ tẻ, cũng có thể thành vụ dịch bệnh hoặc vụ ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân của hội chứng tiêu chảy cấp rất phong phú, có thể do tác nhân sinh học (vi khuẩn và độc tố, vi rút đường tiêu hóa, ký sinh trùng, vi nấm), do tác nhân hóa học (các độc tố tự nhiên, hóa chất độc nhưng hay gặp nhất là do vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn gây bệnh hay gặp như Salmonella, Streptococcus, E.coli, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Vibrio parahaemolyticus, Shigella…; vi rút rota, giun, sán…), hóa chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học độc hại sinh ra do thực phẩm biến chất…), độc tố tự nhiên (nấm độc, độc tố cá nóc, cóc, độc tố gây tiêu chảy cấp ở hải sản, độc tố nấm mốc…).
Nguy cơ tiêu chảy cấp trong cộng đồng liên quan rất chặt chẽ và tăng cao trong điều kiện khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước ăn uống thiếu và không bảo đảm vệ sinh, điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm, vệ sinh chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân không bảo đảm, thói quen tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Để ngừa tiêu chảy cấp do thực phẩm, cần lựa chọn rau củ quả, thịt cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn. Thức ăn nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu.
Nếu thức ăn chín đã quá 4 giờ mà không được bảo quản (giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C), phải nấu kỹ lại trước khi ăn. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn; không để có sự tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn tái, ăn sống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn như tiết canh, gỏi ca...
6 nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm
- Giữ vệ sinh sạch sẽ
- Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và sống
- Nấu kỹ thức ăn
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp
- Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống
- Luôn nhớ rửa tay thật sạch trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
Bình luận (0)