Tiêu chí của văn minh

24/04/2019 04:39 GMT+7

Bản dự thảo đô thị văn minh lần thứ 2 của quyết định này dù đã được đầu tư biên soạn tới 10 nhóm tiêu chí khác nhau với rất nhiều con số vẫn không nhận được sự đồng tình của phần lớn các chuyên gia.

Được khởi xướng từ năm 2016 với Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, song tới nay sau hơn 3 năm phối hợp, triển khai, các cơ quan hữu quan vẫn đang loay hoay với những vấn đề cơ bản nhất của tiêu chí đô thị văn minh.
Ban đầu, tiêu chí đô thị văn minh dự kiến sẽ được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo sự tương ứng với các quyết định đối với chương trình nông thôn mới.
Tuy nhiên, sau khi nhận nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, Bộ VH-TT-DL lại dự thảo một bản tiêu chí dưới hình thức quyết định hành chính ở tầm cấp bộ rồi gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Bản dự thảo lần thứ 2 của quyết định này dù đã được đầu tư biên soạn tới 10 nhóm tiêu chí khác nhau với rất nhiều con số vẫn không nhận được sự đồng tình của phần lớn các chuyên gia tại hội nghị phản biện tiêu chí này của Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức chiều 23.4.
Rất nhiều tiêu chí tại dự thảo được nhận xét là chung chung, mơ hồ thậm chí duy ý chí, không phù hợp với thực tế như tiêu chí tỷ lệ sàn nhà ở bình quân trên 29 m2/người hay tiêu chí trên 10% người dân sử dụng hình thức hỏa táng…
GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã phải thốt lên: “Làm gì có 29 m2 sàn một người. Hà Nội là đô thị loại 1 nhưng cũng chưa đạt được tỷ lệ này. Bản thân tôi cũng chưa được 10 m2. Quy định thế này quá duy ý chí!”.
Vị Cục phó Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT-DL khi giải trình tại hội nghị đã thừa nhận, bộ làm là vì tuân thủ chỉ đạo chứ với lĩnh vực được giao, bộ chỉ có thể quản lý được “văn minh đô thị”, còn “đô thị văn minh” thì nhiều vấn đề hơn, rộng hơn, bộ không thể quản lý được và cho rằng việc giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng tiêu chí này là chính xác hơn.
Chẳng biết nếu như việc xây dựng tiêu chí đô thị văn minh lại được đổi vai về cho Bộ Xây dựng cho đúng vai như nhận định của vị cục phó trên thì bản tiêu chí quốc gia này có sát thực tế hơn hay không, nhưng chắc chắn với sự loay hoay hiện tại của các cơ quan hữu quan, tiêu chí về các đô thị văn minh sẽ còn khá lâu nữa mới có thể thành hình.
Quan trọng hơn nữa, nói như một đại biểu tại hội nghị, việc ban hành là rất cần thiết nhưng tính khả thi hiệu quả để quy định đi vào cuộc sống, để người dân và các bộ ngành phải vào cuộc tích cực nhằm thay đổi diện mạo, chất lượng của đô thị mới là vấn đề quan trọng.
Bởi chất lượng, sự văn minh của đô thị hoàn toàn không phụ thuộc vào tiêu chí nằm trong ngăn kéo, dù nó được ban hành dưới hình thức nào đi nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.