Sáng 27.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Phó chủ tịch Quốc hội: "Tiêu chuẩn đại biểu chỉ 100.000 đồng một cuộc giám sát thôi"
Kinh phí cho hoạt động giám sát "quá ít ỏi"
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phán ánh việc kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương còn "quá ít ỏi".
Bà Nga cho hay, để tổ chức hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở thì thành viên đoàn giám sát ngoài các đại biểu Quốc hội của đoàn còn phải phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành khác của địa phương và mời các thành viên khác, các chuyên gia.
"Thế nhưng với kinh phí quy định như hiện tại thì việc mời được các chuyên gia của các lĩnh vực, mời được thành viên của cơ quan khác tham gia đoàn giám sát cũng chưa được thuận lợi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động", bà Nga nêu.
Từ đó, bà Nga đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét nâng mức kinh phí hoạt động giám sát cho phù hợp với thực tiễn.
Trong phát biểu tóm lược phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận kiến nghị của đại biểu. Theo ông Phương, không chỉ ở địa phương mà nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng có ý kiến này.
"Tiền tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát của một đại biểu Quốc hội chỉ có 100.000 đồng một cuộc giám sát thôi, báo cáo các đại biểu", ông Phương dẫn ví dụ, và cho hay, có nhiều bất cập khác trong cả cơ sở vật chất, nguồn lực.
Không phải nhiều cuộc làm việc thì giám sát mới hiệu quả
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, trong tổ chức thực hiện của mỗi chuyên đề giám sát còn có những bất cập. Cụ thể như việc vừa phân công cho đoàn đại biểu Quốc hội, vừa phân công cho thường trực HĐND tổ chức giám sát.
Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát. Chưa kể, các đơn vị, địa phương được chọn giám sát sẽ có 2 lần làm việc với đoàn giám sát T.Ư, bao gồm tổ công tác và đoàn giám sát chính thức.
"Như vậy, tại địa phương được chọn giám sát sẽ có đến 4 đoàn giám sát về cùng một vấn đề", bà Bé nói, và cho biết chưa kể tại địa phương đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND có chung cơ quan giúp việc nên việc xây dựng báo cáo tổng hợp chỉ có chừng ấy cán bộ, ý tưởng.
"Không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát trực tiếp, nhiều cuộc làm việc là đem lại hiệu quả cho cuộc giám sát", bà Bé nêu, đồng trời cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.
Trong kết luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, rút kinh nghiệm năm 2022, trong triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không yêu cầu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội giám sát cùng với đoàn giám sát của Quốc hội.
Ông Phương cũng khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan nghiên cứu tham mưu, điều hòa các hoạt động giám sát, đồng thời tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát có giải trình cụ thể với Quốc hội.
Bình luận (0)