Vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) từng nổi tiếng với thị trấn mờ sương ở độ cao 800 m so với mực nước biển và gắn liền với chiến thắng Khe Sanh, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sầm uất. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều người bất ngờ bắt gặp ở miền biên viễn này một nét quyến rũ: hoa.
Đến những người mộng mơ nhất cũng không ngờ rằng, có ngày ở trên ngọn đèo Sa Mù heo hút có thể trồng hoa, lại là hoa cao cấp, nhập khẩu giống từ châu Âu. Đèo nằm ở địa phận xã Hướng Phùng, cách trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị hơn 100 km. Ngọn đèo nổi tiếng vì quanh năm sương phủ, cũng là thử thách cho những tay lái đường dài.
Nhưng Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị sớm nhận ra “tiềm năng” ở Sa Mù thông qua những phân tích về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng. Ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, Sa Mù phù hợp trồng các loài hoa ôn đới. Chính thời tiết “đỏng đảnh” ở Sa Mù lại rất phù hợp với việc trồng những loài hoa “sang chảnh”. Sau quá trình nghiên cứu, Sở KH-CN quyết định trồng thử nghiệm hoa ly ly và tuylip, với nguồn giống được nhập từ châu Âu. Hoa trồng trong nhà kính diện tích 1.000 m2; toàn bộ khâu đo nhiệt độ, độ ẩm, điều khiển gió, phun sương, hơi nước... được điều khiển và theo dõi bằng máy tính.
Từ 600 gốc ban đầu của đầu năm 2018, đến những ngày cuối năm 2019, Sở KH-CN công bố đã xuống giống 16.000 củ hoa ly Chile, Hà Lan và 10.000 củ hoa tuylip Hà Lan 5 màu tại khu nghiên cứu thực nghiệm ở đỉnh đèo Sa Mù. Chưa hết, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở KH-CN) còn chuẩn bị 13.000 cây lan hồ điệp sau khi trồng gần 22 tháng để phục vụ người tiêu dùng dịp tết. Dự kiến mỗi cây lan hồ điệp sẽ bán với giá 100.000 đồng, mỗi cặp chậu hoa ly giá 400.000 đồng, chậu hoa tuylip giá 80.000 đồng.
|
Nhưng khát vọng trồng hoa ở Sa Mù chưa dừng lại. Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ, cho biết việc trồng khảo nghiệm mới chỉ là bước tìm giống hoa thích hợp để nhân rộng. Về sau, đỉnh đèo sẽ là cả một vùng nguyên liệu các loài hoa do chính người dân trồng, chìa một “cần câu cơm” đến nơi có đông đồng bào thiểu số để họ thoát nghèo. Với sự xuất hiện của ly ly, tuylip, lan hồ điệp..., khát vọng biến khu vực đèo Sa Mù thành “tiểu Đà Lạt” ở Quảng Trị đang dần trở thành hiện thực.
Thị trấn hoa giấy và con đường dã quỳ
Thêm chút bất ngờ với loài hoa giấy. Tôi không nhớ chính quyền thị trấn có chủ trương trồng hoa giấy tự bao giờ, nhưng bây giờ lên Lao Bảo mọi người sẽ thấy hoa được trồng từ nhà ra ngõ. Trên những dải phân cách dọc tuyến đường vòng quanh thị trấn, các hàng hoa giấy đang khoe đủ sắc màu.
|
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND TT.Lao Bảo, tỏ ra thích thú trước nhận xét Lao Bảo trở nên lãng mạn hơn rất nhiều từ ngày chọn hoa giấy làm “đại sứ thương hiệu”, làm “thị trấn hoa”. Ông Dũng sinh ra ở Lao Bảo, chứng kiến cha mẹ vỡ hoang trên từng luống cày cùng bom đạn hậu chiến, nên trân quý hơn hết vẻ đẹp của hoa giấy. Loài hoa cho người ta cảm giác thư thái, yên bình...
Lên Lao Bảo bây giờ, đừng trách những cô gái “tốn thời gian” bên những nhành hoa giấy hòng mong sở hữu tấm hình đẹp. Cũng đừng thấy lạ khi một du khách nào đó đang lặng ngắm những cánh hoa mỏng manh đa sắc mãi chẳng chịu tàn. Tôi cũng có rung cảm và chợt nghĩ sự hiện diện của hoa giấy khá lạ lùng, chúng không hề “lạc nhịp” giữa cảnh nhộn nhịp ở cửa khẩu quốc tế này.
Nếu Lao Bảo là “thị trấn hoa giấy” thì xã Hướng Phùng cách đó vài chục cây số cũng tự tin với danh hiệu “thị tứ hoa dã quỳ”. Thị tứ bé nhỏ ấy có hẳn con đường trồng độc loài hoa luôn vàng rực vào những ngày cuối thu đầu đông này. Ban đầu, dã quỳ tự nó sinh sôi, chẳng có ai trồng cả. Nhưng một năm trước, có nhóm người mê loại hoa này đã lập quỹ đường hoa dã quỳ, kêu gọi mọi người ủng hộ vật lực chỉ để trồng dã quỳ khắp Hướng Phùng. Chưa thấy ở đâu người ta trồng dã quỳ “rầm rộ” như thế, từ lãnh đạo tỉnh, các ban ngành đến giáo viên, chiến sĩ, nhà báo, thanh niên... Để rồi mấy tháng sau, khi đường hoa dã quỳ nở vàng khắp các con đường nơi biên viễn, đến lượt khách “phượt” kéo đến thưởng hoa.
Lãng mạn miền hoa cỏ
Gần đây, nhiều bạn trẻ phát “sốt” với vườn hoa cúc họa mi đầu tiên được trồng ở khóm 1, TT.Khe Sanh. Loài hoa đỏng đảnh này vốn dĩ chỉ thấy trồng ở Hà Nội và Đà Lạt. Trên triền đồi diện tích khoảng 2.000 m2, cạnh hồ nước xanh trong, gần 15.000 gốc cúc họa mi khoe màu trắng.
Chủ nhân vườn hoa, cô gái tuổi 29 Đinh Thị Thu Thảo nói rằng cô may mắn sinh ra ở mảnh đất Khe Sanh mát mẻ này, lại rất yêu hoa, nên mong muốn vườn hoa cúc họa mi sẽ tạo một điểm đến ấn tượng. Tuy nhiên, theo Thu Thảo, đây chỉ là bản demo để “ướm lòng” mọi người ra sao mà thôi. “Khát vọng của mình là đưa được những loài hoa thơm cỏ lạ về trồng ở khu vườn của mình để mọi người cùng đến xem mà không cần phải đi đâu xa cả”, chị Thu Thảo nói.
Có những người yêu hoa như thế, Hướng Hóa lo gì không sớm chuyển mình thành một miền hoa thơm cỏ lạ. Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, từng phản bác ý kiến cho rằng Hướng Hóa vốn nghèo mà sao lắm kẻ mê hoa, và hoa chỉ dành cho người “có điều kiện”. Ông cho rằng con người trong hoàn cảnh nào cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp, chưa kể những vườn hoa, đường hoa đang làm cho phố phường rạng rỡ, hấp dẫn du khách. Hướng Hóa, miền đất hoang sơ, đang cần lắm sự khai phá...
Khát vọng của mình là đưa được những loài hoa thơm cỏ lạ về trồng ở khu vườn của mình để mọi người cùng đến xem mà không cần phải đi đâu xa cảĐinh Thị Thu Thảo, chủ vườn hoa cúc họa mi ở TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị |
Bình luận (0)