Tiêu điều thủ phủ cam Vinh

12/11/2021 08:48 GMT+7

Nổi tiếng từ nhiều năm qua nhờ vị ngọt và mùi thơm dịu đặc trưng, cam Vinh (Nghệ An) từng là cây hái ra tiền, nhưng loại cam này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ ngay tại thủ phủ.

Cam Vinh là thương hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 của Cục Sở hữu trí tuệ cho 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du và Sông Con, được trồng tại 5 huyện ở Nghệ An, trong đó thủ phủ của cam Vinh là xã Minh Hợp (H.Quỳ Hợp).

Người dân ở Minh Hợp không mặn mà với cây cam khi giá cam liên tục chạm đáy khiến họ bị thua lỗ

K.HOAN

Vang bóng một thời

Đứng trong vườn cam rộng 1,5 ha của gia đình ở đầu xóm Thọ Thành (xã Minh Hợp, H.Quỳ Hợp, Nghệ An), bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xóm Thọ Thành) thở dài cho biết, nếu 6 - 7 năm trước, vườn cam này sẽ mang về cho gia đình bà khoảng 700 triệu đồng. Thế nhưng, thời vàng son nhất của cam Vinh đã qua. Giá cam trước đây từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên 70.000 đồng/kg, thì nay đã xuống tận đáy, chỉ còn 2.500 đồng/kg.

Năm 2011, bà Dung trồng 2 ha cam Vân Du trên phần đất nhận khoán của Nông trường Xuân Thành. Đến năm 2014, vườn cam bắt đầu cho quả và giúp gia đình bà “hái ra tiền”. Không chỉ bà Dung, người trồng cam Vinh tại xã Minh Hợp lúc đó ví cây cam như cái máy in tiền. Cam trĩu quả, quả cam Vinh có vị ngọt, thơm dịu nên rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi ha cam cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm.

Bắt đầu từ đó, tại xã Minh Hợp, nhà đổ xô trồng cam. Bà Đinh Thị Kim Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, cho biết đến năm 2018, diện tích cam trong xã đã tăng lên hơn 1.700 ha, gần gấp đôi so với 5 năm trước đó. Riêng tại Nông trường Xuân Thành (nay là Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành), diện tích cam tăng từ hơn 500 ha lên gần 1.100 ha với hơn 800 hộ dân tham gia trồng. “Ở đâu có đất trống là người ta cắm cây cam lên đó, thậm chí cả đất nghĩa địa cũng trồng cam”, ông Lê Viết Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, kể.

Giá “rơi tự do”

Sau khi 2 ha cam mới cho ra quả bói nhưng đã “hái ra tiền”, năm 2014, bà Dung (ngụ xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp) tiếp tục trồng thêm 1,5 ha cam Vân Du. Nhưng, sau vài năm thì giá cam bắt đầu hạ nhiệt. Đến năm 2017, khi 1,5 ha này bắt đầu cho trái thì giá cam “rơi tự do”. Năm 2020, bà Dung bán cam đại trà tại vườn giá chỉ còn 3.000 đồng/kg. Số cam còn lại ít ỏi trên cây kéo đến thời điểm gần tết Nguyên đán, giá mới nhỉnh lên được 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Năm nay, tình hình còn thê thảm hơn nhiều khi cam Vân Du đầu mùa chỉ 2.500 đồng/kg. Cam Xã Đoài quả đẹp nhưng phải bán non vì sợ quả rụng giá cũng chỉ 5.000 đồng/kg. Không thể duy trì được vườn cam khi giá quá thấp, trong khi chất lượng cam cũng đã giảm nhiều, bà Dung quyết định phá 2 ha cam trồng từ năm 2011 để chuyển sang trồng mía.

Đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng cam, anh Lê Văn Thịnh (ngụ xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp) cũng đang khổ sở vì phải chặt bỏ vườn cam. Vườn cam Xã Đoài này được trồng năm 2017 với kỳ vọng giá cam sẽ trở lại thời hoàng kim. Thế nhưng, sau khi cam cho quả, giá cam chỉ bằng 1/20 sự kỳ vọng ấy. “Tháng 7, tháng 8, cam rất nhiều quả và quả đẹp, nhưng đến tháng 9, tháng 10, khi mưa xuống, cam bắt đầu rụng hàng loạt, năm nay 80% số quả đã bị rụng”, anh Thịnh buồn bã nói, và cho biết năm 2020 anh bị lỗ hơn 20 triệu đồng. Năm nay, giá cam chỉ 2.500 đồng/kg, trong khi phải trả công cho người hái 500 đồng/kg, anh Thịnh tiếp tục bị lỗ và dự kiến sẽ chặt bỏ vườn cam ngay sau khi thu hoạch xong.

Ông Lê Viết Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, người gắn bó với cây cam Vinh hàng chục năm nay ở thủ phủ Minh Hợp, cho biết để đầu tư trồng mới mỗi ha cam cần 3 - 4 năm mới cho quả, chi phí khoảng 300 triệu đồng. Để đầu tư mỗi ha cam đúng chuẩn, 1 năm tốn từ 120 - 130 triệu đồng. Do đó, để hòa vốn, giá cam phải bán được 10.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá cam rớt thêm thảm trong 4 năm qua, theo ông Minh, là cung đã quá cầu. Ngoài ra, bệnh nấm phytophthora và bệnh vàng lá gân xanh (greening) tấn công cây cam và giá cam quá thấp khiến người trồng không dám đầu tư càng làm cho chất lượng quả cam giảm mạnh.

Từ hơn 1.700 ha cam năm 2018, hiện xã Minh Hợp chỉ còn khoảng hơn 600 ha cam, và dự kiến diện tích này sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. Nguy cơ thương hiệu cam Vinh tại đây sẽ bị xóa sổ là điều khó tránh khỏi.

“Chu kỳ cây cam là 15 năm, trong đó thời đỉnh cao cho số lượng và chất lượng quả tốt nhất là năm thứ 9 và thứ 10. Rất tiếc, hàng trăm ha cam đang ở chu kỳ này hiện đã phải chặt bỏ. Năm 2020, chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ việc trồng mới cây cam, quýt trên toàn bộ diện tích đất do công ty quản lý và khuyến cáo người dân ngừng trồng mới cam, chuyển sang luân canh trồng mía, ngô, ổi… trong vòng 3 - 5 năm để cải tạo lại đất”, ông Minh nói.

Năm 2015, Nghệ An quy hoạch đến năm 2020 trồng 5.600 ha cây cam và quýt, đến năm 2030 ổn định diện tích 10.160 ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây cam ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch. Năm 2018, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tăng hơn 10.000 ha, trong đó riêng cây cam hơn 6.000 ha. Từ năm 2020 đến nay, diện tích cam giảm vì người dân phải chặt bỏ do bệnh và giá cam quá thấp.

Tại H.Quỳ Hợp hiện có hơn 1.500 ha cam, là vùng cam chính của tỉnh Nghệ An. Tháng 7 vừa qua, UBND huyện này vẫn thông qua đề án phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện, đến năm 2025 sẽ trồng hơn 2.500 ha cam, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.