Đảm bảo cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) năm 2024.
Trước đó, ngày 29.12.2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định 3376 duyệt kế hoạch cung ứng điện năm 2024; ngày 30.11.2023 ký ban hành Quyết định 3310 duyệt kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, tiêu thụ điện tăng cao nên Bộ Công thương quyết định điều chỉnh lại kế hoạch, nhằm chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo cung ứng điện trong các tháng nắng nóng cao điểm tới đây.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 theo Quyết định số 3110 được điều chỉnh là 310,6 tỉ kWh, trong đó mùa khô là 150,916 tỉ kWh và mùa mưa là 159,684 tỉ kWh.
Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm nay để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia tại Quyết định số 3376 được điều chỉnh là 111,468 tỉ kWh.
Không để đứt gãy nguyên liệu cho sản xuất điện
Trong Quyết định 924 mới ban hành, Bộ Công thương giao EVN công bố cập nhật kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm nay cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
Hàng tháng, đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô, EVN thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024. Khi có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, báo cáo Bộ Công thương để có điều chỉnh phù hợp.
Bộ Công thương giao EVN tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.
Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng cho sản xuất điện do nguyên nhân chủ quan.
Các nhà máy nhiệt điện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tổ máy sẵn sàng phát điện nhưng lại thiếu nguyên liệu dẫn đến không phát đủ công suất hoặc phải dừng tổ máy.
Số liệu từ EVN cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 62,66 tỉ kWh, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023.
Bình luận (0)