Theo dự báo sản lượng điện mùa nắng nóng năm nay của TP.HCM (khoảng từ tháng 3, 4 và 5.2022) sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM cho thấy, sản lượng tiêu thụ điện bình quân trong 10 ngày đầu tháng 3.2022 là 80,83 triệu kWh/ngày, nhiều hơn 6,18% so với sản lượng bình quân 10 ngày tháng 3.2021 (76,12 triệu kWh/ngày) và cao hơn 19,23% so với sản lượng bình quân ngày trong tháng 2.2022 (67,79 triệu kWh/ngày). Từ đó, EVNHCMC dự báo, sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3 năm nay lên đến 80,42 triệu kWh/ngày, tăng 24,46% so với tháng 2. Đáng lưu ý, tháng 2 là thời điểm rơi vào tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện cũng rất lớn. EVNHCMC cũng dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày vào tháng 4 và tháng 5 tới sẽ tiếp tục tăng cao hơn tháng 3 và đạt từ 81,22 - 84,35 triệu kWh/ngày.
Ông Bùi Trung Kiên phát biểu tại buổi họp giao ban báo chí ngày 25.3 |
Theo ông Bùi Trung Kiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Riêng máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Bên cạnh đó, do biểu giá điện sinh hoạt hiện hành là giá bậc thang, nên tỷ lệ tăng về tiền điện sẽ lớn hơn tỷ lệ tăng về lượng điện tiêu thụ. Chẳng hạn, nếu lượng điện tiêu thụ tăng từ 200 kWh lên 400 kWh trong một tháng (tăng 100% về lượng điện) thì tiền điện phải đóng từ 401.760 đồng lên 981.720 đồng, tức tăng 144,35% về tiền. Nếu lượng điện tiêu thụ tăng từ 300 kWh lên 500 kWh/tháng (tăng 60% về lượng điện) thì tiền điện sẽ từ 675.648 đồng lên 1.297.836 đồng, tức tăng 92,09% về tiền.
Bình luận (0)