Ngay tại châu Á, người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi cơ cấu bữa ăn giống như các nước phương Tây. Hiện tại, lượng calo từ gạo chỉ chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu năng lượng hằng ngày của con người, trừ Việt Nam và Bangladesh gạo vẫn còn giữ được vị trí quan trọng trong cơ cấu bữa ăn.
Bên cạnh xu hướng tiêu thụ gạo của người tiêu dùng ngày càng giảm thì nông nghiệp ngày càng đóng vai trò ít quan trọng hơn trong nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, đóng góp của nông nghiệp trong GDP toàn cầu đã giảm từ 36% vào năm 1961 xuống còn 12% trong năm 2007. Song song đó, vai trò của lúa gạo cũng đang “lép vế” khi chỉ chiếm chưa tới 0,2% GDP toàn cầu. Xu hướng này dễ nhận thấy nhất ở các nước châu Á, khi mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng gấp 5,2 lần so với thế giới, thì tỷ trọng GDP của lúa gạo cũng giảm rất mạnh: 14,5% hồi năm 1961 xuống còn 3,8% năm 2007. Theo nghiên cứu trên, việc sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn, số lượng nhiều đang đi ngược lại với nhu cầu chung của thế giới. Một nền nông nghiệp hiện đại cần phải có cơ cấu đa dạng.
Theo các chuyên gia, trước xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng, vấn đề đặt ra đối với các nước châu Á là làm thế nào để bảo vệ nền kinh tế nông nghiệp, nhất là các nước có thế mạnh về lúa gạo. Đối với Việt Nam, đây cũng có thể xem là cơ hội. Các chuyên gia cho rằng, với cơ cấu nông nghiệp đa dạng và lúa gạo chỉ là một trong nhiều thế mạnh của nông nghiệp, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để dịch chuyển cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng tiêu dùng chung của thế giới.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN-PTNT), cho rằng: Chúng ta phải đi theo tín hiệu của xu thế toàn cầu và phù hợp với mục tiêu là tạo thu nhập tốt cho người lao động, nhất là nông dân, chứ không phải chỉ có sản xuất lúa gạo.
“Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh lương thực cần được xem xét ở góc độ rộng hơn là làm sao cho mọi người dân có đủ tiền để mua lương thực chứ không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đủ lượng lương thực”, các nhà nghiên kinh tế nhận định.
Chí Nhân
Bình luận (0)