Tiểu thương An Đông Plaza kêu trời vì giá thuê mặt bằng

18/03/2023 07:05 GMT+7

Ngồi từ sáng đến chiều không có người mua, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ trong khi gánh khoản nợ hàng gối đầu hàng tỉ đồng... khiến nhiều tiểu thương An Đông Plaza than trời vì khó khăn.

"Đông cứng" trong khung giờ cao điểm

Ngày 17.3, chúng tôi ghé An Đông Plaza (thuộc quản lý của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Q.5, TP.HCM) vào khung giờ sầm uất nhất, sau 11 giờ trưa, nhưng trung tâm thương mại nổi tiếng vắng hoe. Gọi điện cho vài tiểu thương quen biết, đa số có chung câu trả lời: Dạo này ít ra chợ lắm, một tuần chỉ ra chợ khoảng 2 lần, trừ khi có khách hẹn ghé trả nợ. Một số thì cho biết tầm 2 giờ chiều mới ra chợ "xem hàng hóa thế nào". Chị Thái, kinh doanh hàng áo quần trên tầng 2 trung tâm, cho biết: "Nay không có khung giờ nào đông khách đâu, chợ vắng từ sáng đến chiều. Càng ra chợ mở bán, càng phải chi phí nhiều hơn mà thôi".

Dọc các lối đi, toàn thấy cảnh nhân viên bán hàng, cả nam lẫn nữ, ngồi xem phim hay chơi game trên điện thoại. Khu vực kinh doanh đồ mỹ nghệ và quà lưu niệm trước dịch là nơi sầm uất nhất, mỗi ngày đón cả chục đoàn khách du lịch từ Đài Loan, Trung Quốc, Nga… ghé mua. Chị Thủy (từng kinh doanh hàng túi xách, dây nịt, bóp ví bằng da cá sấu) kể giọng chưa hết nuối tiếc, thời đó mỗi đoàn khách du lịch ghé quầy, hóa đơn mua hàng không dưới mức 10 triệu đồng. Mỗi người một món, khách mua cũng hài lòng, người bán lại thấy phấn khởi.

"Thậm chí, có những khách du lịch Nga, mê hàng da cá sấu làm thủ công, họ mua không thèm mặc cả. Mua hôm trước cả chục triệu, hôm sau quay lại mua giúp bạn bè thêm mấy món, từ túi xách, bóp, ví đến dây nịt vì thấy hàng đẹp, giá mềm", chị Thủy kể. Còn hiện nay, chị Thủy đã đóng cửa trả mặt bằng. Cả dãy quầy sạp chuyên bán đồ lưu niệm tại đây cũng đóng cửa gần hết, chỉ còn lác đác vài ba quầy mở bán.

Tiểu thương An Đông Plaza kêu trời vì giá thuê mặt bằng - Ảnh 1.

An Đông Plaza trong giờ cao điểm khá đìu hiu

NG.NGA

Khu vực kinh doanh giày dép cũng không khá hơn. Hàng đa số lấy từ Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng thuộc phân khúc hạng trung. Trước khu này là nơi đông đúc khách trong và ngoài nước. Thế nhưng giờ cả một dãy quầy sạp không thấy có hoạt động kinh doanh, tiểu thương đóng cửa ngưng bán từ vài năm qua. Lên các tầng 2, 3 khu chủ yếu kinh doanh áo quần, cũng đìu hiu. 

Hai bên hành lang phía cầu thang cuốn đi lên, có vài ba thanh niên đang ngồi ăn hộp bánh cuốn, bên cạnh có vài bịch hàng đóng trong túi ni lông đen. Một người cho hay hàng đóng gửi đi Vĩnh Long và Trà Vinh, khách mới mua nên họ đang ăn vội hộp bánh rồi chở ra nhà xe gửi. "Hai cục hàng này có tổng hóa đơn 6,8 triệu đồng. Trước đây mỗi ngày đóng 15 - 20 cục vậy nhưng nay mỗi ngày chỉ vài cục thôi là may lắm rồi", nhân viên bán hàng tên Tiến vừa ăn vừa nói.

"Đóng sạp rồi, là mất tiền hàng luôn"

Chị Ngọc có 2 sạp bán đồ jeans tại đây nói rằng: "Bán ở đây áp lực nhất vì chi phí cao. Mỗi quầy phải thuê ít nhất 2 sạp mới đủ để trưng. Giá thuê 2 sạp trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng. Cách An Đông Plaza vài bước, bên chợ An Đông truyền thống, hạ tầng tương đương, hàng hóa tương đương, cũng khách hàng như nhau, nhưng tiền thuê sạp chỉ bằng khoảng 20% so với giá thuê bên An Đông Plaza. Hai quầy sạp thuê tại chợ An Đông chỉ chi khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi tại An Đông Plaza là 50 triệu đồng/tháng. Thế nên, tuy chợ ế đều như nhau, người mua giảm, nhưng tại chợ An Đông truyền thống vẫn sầm uất hơn vì người đến tìm thuê sạp ngày càng nhiều, người mua cũng nhiều hơn. 

Trong khi đó, tại An Đông Plaza, đa số muốn đóng cửa, nghỉ bán hàng vì giá thuê chuẩn bị ký sắp tới tăng. Nhưng nếu nghỉ bán, những khách hàng đang nợ tiền hàng của tiểu thương sẽ không đến trả. Đóng cửa sợ mất luôn tiền hàng cũ. Như sạp tôi khoản nợ gối đầu của khách hơn 1 tỉ đồng. Ở đây có chủ sạp bị nợ tiền gối đầu vài ba tỉ đồng tiền hàng. Đó là điều mà tiểu thương lo lắng và chủ đầu tư tòa nhà xem đó như "điểm yếu" của tiểu thương để "bắt chẹt", ép tiểu thương ký thuê mặt bằng giá cao, không có bất kỳ thông cảm, chia sẻ nào trong bối cảnh quá khó khăn". Theo phản ánh của tiểu thương, thuế kinh doanh tại chợ An Đông truyền thống cũng chỉ bằng 1/2 thuế kinh doanh tại An Đông Plaza.

Dự kiến ngày 21.4 tới đây, đa số hợp đồng thuê quầy sạp tại An Đông Plaza đều đến hạn phải ký lại, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông mới đây tiếp tục gửi đến tiểu thương thông báo liên hệ ban quản lý tòa nhà để ký lại hợp đồng thuê trước ngày 15.4. Nếu không, tiểu thương đang kinh doanh tại trung tâm thương mại không thể duy trì việc bán hàng. Thời hạn công ty thông báo lựa chọn ký hợp đồng thuê mới là 6 tháng, 1 năm, 2 năm và 5 năm. Trong đó, nếu khách đóng tiền thuê 1 lần 6 tháng, sẽ được giảm 5%, thanh toán 1 lần cho 12 tháng sẽ được giảm 10% giá thuê mới.

Trong thông báo đầu tiên gửi đến thương nhân, Ban Quản lý An Đông Plaza thông báo mức giá thuê sạp ký mới cao hơn giá thuê hiện tại từ 10 - 25% (theo tính toán từ giá thuê cũ mà tiểu thương cung cấp). Sau nhiều phản ứng và có đơn thỉnh nguyện của tiểu thương, mới đây, thông báo từ Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông cho thấy, giá cho thuê của công ty tuy báo giảm 10%, nhưng giá sau giảm thực tế bằng giá thuê hiện tại. Cụ thể, sạp IE… nhận thông báo giá thuê mỗi sạp mới là 36,9 triệu đồng/tháng, phải ký hợp đồng trước ngày 15.4 để ngày 21.4 hết hạn sang nhượng. Theo các tiểu thương, mức giá này hoàn toàn không giảm mà tăng ít nhất 15% so với giá hiện tại.

Ngày 17.3, trao đổi với Thanh Niên, đa số tiểu thương cho biết khá mệt mỏi khi phải "gồng" để giữ quầy sạp tại trung tâm vì từ nhiều tháng qua, hầu như không bán được hàng nhưng phải trả tiền thuê mặt bằng quá cao. Trung bình mỗi tháng 2 sạp khoảng 40 - 66 triệu đồng. Một số thương nhân có kinh doanh tại An Đông Plaza cho biết: Tập thể hơn 140 thương nhân (sang nhượng khoảng 400 sạp) đã có đơn thỉnh nguyện lần 3 liên quan giá thuê mới của công ty.

Mong có sự chia sẻ

Trong đơn thỉnh nguyện lần 3 gửi Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và bà Trần Thị Thanh Thúy (Phó tổng giám đốc công ty), các tiểu thương đang kinh doanh tại An Đông Plaza ghi nhận phía công ty có sự chia sẻ, giảm giá cho thuê gian hàng 10% nếu thanh toán 1 lần trong 12 tháng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, mức giá thuê mới công ty đưa ra đã cao hơn giá thuê cũ, nên việc "ưu đãi" đó, thực chất là không có ưu đãi. 

"Ban quản lý trung tâm thương mại hiểu rất rõ hoàn cảnh kinh doanh của chúng tôi trong thời gian qua. Lượng khách hàng vào trung tâm mua bán giảm 70% và có ngày đến trung tâm không bán được đơn hàng nào là bình thường. Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư An Đông Plaza giảm 30% giá thuê mặt bằng tại trung tâm so với giá phía công ty thông báo mới đây là ngày 3.3.2023".

Các tiểu thương cho rằng mức giá thỉnh nguyện thực tế vẫn cao hơn gấp 3 lần giá thuê bên chợ An Đông. Trong bối cảnh thị trường quá khó khăn, tiểu thương chỉ biết kêu cứu và thỉnh nguyện. Ngoài ra, các tiểu thương cũng gửi thư cầu cứu lên Phòng kinh tế và UBND Q.5 là giải pháp sau cùng tiểu thương sẽ thực hiện. 

"Chúng tôi muốn có môi trường kinh doanh văn minh, chia sẻ và cùng phát triển. Nhưng phía Công ty An Đông tỏ ra không đồng ý việc chia sẻ này và đang dồn ép chúng tôi đến bước đường cùng. Từ tuần sau, nếu công ty bất hợp tác, các tiểu thương sẽ bãi thị, ngưng kinh doanh ít nhất 1 tuần. Song song đó, sẽ gửi thỉnh nguyện lên UBND Q.5 để cầu cứu", đại diện các tiểu thương kinh doanh tại An Đông Plaza nói. 

Theo đại diện các tiểu thương ở An Đông Plaza: Chúng tôi cố bám trụ để mong thu lại tiền nợ hàng cũ, nhưng khó khăn bủa vây, từ người bán đến người mua. Trong tình hình này, việc tăng giá thuê gian hàng là điều khó chấp nhận được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.