11 bộ, cơ quan T.Ư và 3 địa phương chưa thể phân bổ số vốn lên tới hơn 38.578 tỉ đồng, chiếm tới 7,4% tổng số vốn đầu tư của năm 2022. Trong số 14 bộ, cơ quan, địa phương, có nhiều bộ, ngành, cơ quan có vị trí quan trọng trong nền kinh tế như chính Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế hay Bộ KH-CN.
Theo như báo cáo thì số tiền vốn đầu tư đã được Quốc hội giao vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết hay phân bổ rồi nhưng chưa thể giải ngân - nghĩa là tiền thì có nhưng vẫn nằm yên trong kho, không tiêu được - lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, nằm rải rác ở hàng chục cơ quan, bộ, ngành cả T.Ư và địa phương.
Đó là chưa kể số vốn 100.000 tỉ đồng đã được quyết cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia và khoản vốn tăng chi hơn 176.000 tỉ đồng dành cho đầu tư phát triển trong gói hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH (trong đó riêng năm 2022 là hơn 100.000 tỉ đồng), vẫn chưa thể trình Quốc hội để phân bổ.
Có tiền mà không tiêu được là sự lãng phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đã phải đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm (2022 - 2023) với khoảng 240.000 tỉ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang chờ đợi các dự án đầu tư giải ngân nhằm đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức 6 - 6,5% như mục tiêu đề ra, thậm chí là tăng thêm 2% với gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, hàng chục bộ, ngành, cơ quan T.Ư và cả các địa phương vẫn “bình chân như vại”, không chịu tiêu số tiền vốn hàng chục ngàn tỉ đồng đã được giao.
Bộ KH-ĐT giải thích rằng nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do “công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét”. Đáng nói là những lý do ấy không mới, thậm chí đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” suốt nhiều năm qua. Năm nào người dân cũng phải đọc tin tức về việc Chính phủ tổ chức các tổ công tác để “kiểm tra”, “đôn đốc”, “tháo gỡ khó khăn” trong giải ngân vốn đầu tư.
Nhiều ý kiến đã đúng khi cho rằng sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công trở thành căn bệnh trầm kha là do cho tới nay, chưa có cơ quan hay cá nhân nào bị kỷ luật hay xử lý vì việc này. Có lẽ đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giúp các cơ quan, bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ rằng “có tiền mà không tiêu”, hoặc thậm chí “không dám tiêu” không chỉ là sự lãng phí mà còn là có lỗi với chức trách được giao, có lỗi với những đồng tiền thuế của dân.
Bình luận (0)