TikTok giữa vòng vây lệnh cấm

23/12/2024 06:00 GMT+7

Ứng dụng chia sẻ video TikTok vừa bị cấm tại Albania, đang đối diện lệnh cấm tại Mỹ, sau khi bị cấm một phần hoặc toàn bộ tại nhiều nước khác.

Thủ tướng Albania Edi Rama ngày 21.12 công bố lệnh cấm một năm đối với TikTok, ứng dụng chia sẻ video thuộc Công ty ByteDance (Trung Quốc), sau vụ một học sinh 14 tuổi bị sát hại do mâu thuẫn trên mạng xã hội, dẫn đến lo ngại về tác hại đối với trẻ em. Ông Rama cáo buộc mạng xã hội, cụ thể là TikTok, góp phần gia tăng bạo lực ở giới trẻ trong và ngoài trường học. "Vấn đề ngày nay không phải là con em chúng ta… vấn đề ngày nay là TikTok và tất cả những ứng dụng khác đang bắt con em chúng ta làm con tin", theo Reuters dẫn lời ông Rama.

Về phần mình, TikTok đề nghị chính phủ Albania "khẩn cấp làm rõ" chi tiết, đồng thời khẳng định không có bằng chứng thể hiện thủ phạm hoặc nạn nhân trong vụ án nói trên có tài khoản TikTok.

TikTok giữa vòng vây lệnh cấm- Ảnh 1.

CEO TikTok Châu Thụ Tư điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hồi tháng 1

ẢNH: AFP

Lệnh cấm tại Albania là một trong những diễn biến mới nhất về thực trạng TikTok bị nhiều bên xem là ứng dụng đáng lo ngại. Ban đầu, ByteDance ra mắt ứng dụng chia sẻ video Douyin chỉ có tại Trung Quốc vào năm 2016, trước khi ra mắt TikTok tại thị trường quốc tế vào một năm sau đó. Sau khi mua lại ứng dụng hát nhép Musical.ly, TikTok trở nên nổi tiếng với vô số video ngắn, thường mang tính vui nhộn do người dùng đăng tải. Ứng dụng này phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19 và đến nay có khoảng 1,58 tỉ người dùng hoạt động hằng tháng, theo Công ty DemandSage (Mỹ).

Nhiều nước bắt đầu để ý đến sức ảnh hưởng và tính gây nghiện của TikTok, cũng như nghi ngại khả năng chính phủ Trung Quốc tác động để tiếp cận thông tin người dùng, dù TikTok luôn bác bỏ, theo AFP.

Hồi tháng 7.2020, giữa căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ quyết định cấm TikTok. Theo trang TechTarget, bên cạnh Ấn Độ, các nước cấm hoàn toàn TikTok còn có Afghanistan, Iran, Kyrgyzstan, Nepal và Somalia. TikTok còn bị cấm trên các thiết bị làm việc của nhân viên chính phủ Bỉ và Anh, thiết bị do chính phủ Canada phân bổ, thiết bị của nhân viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch, thiết bị của nhân viên Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, thiết bị chuyên dụng của công chức Pháp, thiết bị làm việc tại Bộ Ngoại giao Latvia, thiết bị làm việc của các nghị sĩ New Zealand và thiết bị, hệ thống của chính phủ liên bang Mỹ. Hồi tháng 11 vừa qua, Úc đã cấm người dưới 16 tuổi truy cập mọi mạng xã hội, bao gồm cả TikTok.

TikTok giữa vòng vây lệnh cấm- Ảnh 2.

Trụ sở của TikTok ở California (Mỹ)

ẢNH: REUTERS

Chính phủ Mỹ từ năm 2020 bắt đầu cân nhắc cấm TikTok theo chỉ đạo của tổng thống lúc đó là ông Donald Trump do lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia. Vào tháng 4 năm nay, Mỹ thông qua luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19.1.2025 hoặc sẽ bị cấm, với cáo buộc ứng dụng này cho phép Trung Quốc tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ. Trong khi đó, TikTok kiên quyết khẳng định chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc và đang đề nghị Tòa án Tối cao Mỹ xem xét vụ việc.

Trước đó vào tháng 10, nhiều tiểu bang Mỹ kiện TikTok với cáo buộc gây tổn hại sức khỏe tâm thần trẻ em, do được thiết kế nhằm lôi kéo sử dụng quá mức. Đơn kiện dựa trên kết quả điều tra tại 8 bang, được tiến hành từ tháng 3.2022. TikTok khẳng định đã có vô số biện pháp nhằm "giúp đảm bảo rằng thiếu niên dưới 18 tuổi có trải nghiệm an toàn và thích thú đối với ứng dụng, và nhiều biện pháp áp đặt các hạn chế mà những nền tảng khác không có". CEO Châu Thụ Tư của TikTok nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nói trên và hồi tháng 1 cam kết chi 2 tỉ USD để bảo vệ người dùng Mỹ.

Chưa hết, Ủy ban châu Âu hôm 17.12 tuyên bố điều tra xem liệu chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên tổng thống cực hữu Calin Georgescu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Romania hôm 24.11 có liên quan đến sự can thiệp của Nga và "đối xử ưu đãi" của TikTok hay không. TikTok khẳng định họ không chấp nhận quảng cáo chính trị trả phí và chủ động xóa nội dung vi phạm chính sách về thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch.

Thị trường béo bở

Theo dự báo mới đây của Công ty Technavio (Mỹ) chuyên về nghiên cứu thị trường, mạng xã hội được dự báo tăng trưởng lên mức 238,4 tỉ USD vào năm 2028, được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiếp cận internet và xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI). Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm của thị trường này trong giai đoạn 2024-2028 là 19,96%. Các công ty hàng đầu gồm Alphabet, Automattic, ByteDance, Discord, LinkedIn, MediaLab.Ai, Meetup, Meta, Myspace, Nextdoor, Pinterest, Quora, Rakuten, Reddit, Snap, Telegram, Tencent, Twitter, Yelp và Z Holdings.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.