TikTok sẽ ra sao sau lệnh cấm của Mỹ?

17/12/2024 07:34 GMT+7

TikTok tiếp tục kháng cáo trong khi ByteDance từ chối bán công ty và đặt hy vọng mỏng manh vào Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông chính thức nhậm chức vào năm sau.

Ngày 13.12, Reuters đưa tin tòa phúc thẩm Columbia (Mỹ) đã bác bỏ đề nghị hoãn thi hành đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok - bán lại nền tảng. Nếu không, ứng dụng sẽ bị cấm tại Mỹ vào tháng tới. Công ty có hạn chót để thoái vốn trước ngày 19.1.2025.

Tương lai bất định của TikTok tại Mỹ

Ngay sau khi quyết định được ban hành, TikTok đã đề nghị tòa phúc thẩm hoãn thời gian thi hành nhưng bị từ chối. Công ty cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Trước đó vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một dự luật yêu cầu TikTok phải bán cho một công ty không phải Trung Quốc. Chính quyền ông Biden thúc giục tòa phúc thẩm không ban hành thêm lệnh tạm dừng vì có thể khiến công ty phải đợi nhiều tháng để kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

TikTok sẽ ra sao sau lệnh cấm của Mỹ?- Ảnh 1.

Ứng dụng TikTok trên điện thoại

ẢNH: KHƯƠNG NHA

Michael Hughes, người phát ngôn của TikTok, cho biết: "Tòa án Tối cao với bề dày lịch sử được thiết lập để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. Chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy đối với vấn đề quan trọng liên quan đến hiến pháp này".

Tuy nhiên CNN cho rằng, Tòa án Tối cao, nơi có đa số thẩm phán bảo thủ, có vẻ sẽ ra phán quyết ủng hộ lệnh cấm TikTok. Josh Schiller, đối tác tại công ty luật Boies Schiller Flexner, cho rằng khó có thể tin rằng lực lượng bảo thủ tại Tòa án Tối cao không coi đây là một vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Giáo sư Trường Luật Cornell Gautam Hans nói với CNN rằng, Tòa án Tối cao có thể quyết định không xem xét vụ án, trong trường hợp đó TikTok sẽ không gặp may.

Người dùng TikTok Mỹ sẽ ra sao?

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, nếu lệnh cấm có hiệu lực, nó sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến 170 triệu người dùng hằng tháng của ứng dụng tại quốc gia này. Nói cách khác, lệnh cấm chỉ dành cho nền tảng, không áp dụng với người dùng. Tuy nhiên họ sẽ không thể tải xuống mới hoặc có thêm bất kỳ bản cập nhật nào.

Trước đó, CNBC dẫn nguồn tin cho biết Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc John Moolenaar và hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi đã gửi thư nhắc nhở CEO Apple Tim Cook và CEO Alphabet Sundar Pichai về trách nhiệm thực thi lệnh cấm với vai trò đơn vị điều hành cửa hàng ứng dụng.

Hai nền tảng này được đề nghị sẵn sàng xóa bỏ TikTok trên kho ứng dụng tại Mỹ vào ngày 19.1. TikTok cũng không khả dụng trên các nền tảng lưu trữ internet khi lệnh cấm có hiệu lực.

Khe cửa hẹp của TikTok

Mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn có một số cơ hội nhỏ để có thể tiếp tục duy trì hoạt động tại Mỹ.

Theo luật, Tổng thống Joe Biden có một lần gia hạn lệnh cấm dài 90 ngày nếu xác định công ty đã đạt được những tiến triển nhất định trong việc bán ứng dụng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy ông Biden đề xuất kế hoạch nào liên quan đến việc này.

Ông Trump mềm mỏng hơn với TikTok, nêu điều kiện để Mỹ ở lại NATO

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump, người bắt đầu nhiệm kỳ một ngày sau lệnh cấm, có thể đứng về phía TikTok. Hồi tháng 7, ông từng tuyên bố sẽ "không bao giờ cấm TikTok", dù trong nhiệm kỳ đầu ông đã cố chặn ứng dụng.

Một số kịch bản có thể xảy ra là ông Trump sẽ yêu cầu Quốc hội bãi bỏ luật cấm. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này khó có thể thành công. Ông cũng có thể chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp không thực thi luật hoặc tuyên bố TikTok không phải tuân theo luật.

Trong khi đó, công ty mẹ của TikTok là ByteDance dường như vẫn giữ quan điểm không bán nền tảng và sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng để được hoạt động tại Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.