TikToker gây phẫn nộ, người trẻ bàn chuyện từ thiện: 'Của cho không bằng cách cho'

29/11/2022 09:19 GMT+7

Thông điệp “Của cho không bằng cách cho” đã và đang được nhiều người trẻ hưởng ứng từ câu chuyện của TikToker gây phẫn nộ khi có những thái độ bỡn cợt, miệt thị người già khi đi từ thiện.

Những ngày qua cộng đồng mạng không khỏi ngán ngẩm với việc TikToker Nờ Ô Nô đi làm thiện nguyện nhưng với thái độ bỡn cợt, có lời lẽ khinh thường người lớn tuổi. Việc làm trên đã nhận được sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng mạng nhằm kêu gọi tẩy chay và sau đó TikTok cũng đã thông báo cấm tài khoản của Nờ Ô Nô.

Bên cạnh những thông tin tiêu cực trên thì cuộc sống ngoài kia vẫn còn nhiều tấm lòng tử tế, văn minh và làm thiện nguyện bằng cả cái tâm. Họ là những người trẻ có thể tài chính còn hạn hẹp, vật chất cho đi cũng chỉ xoa dịu phần nào những thiếu thốn của những mảnh đời khó khăn nhưng các bạn trẻ ấy vẫn luôn tâm niệm: “Của cho không bằng cách cho”.

TikToker Nờ Ô Nô bị phạt 7,5 triệu đồng

Kỳ Duyên ân cần, lễ phép hỏi thăm cụ già trong một lần đi phát mền trong đêm hồi tháng 10.

KIM NGỌC NGHIÊN

Làm thiện nguyện từ cái tâm

Cũng là một Tiktoker, cũng với nội dung mua đồ ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng cách làm của "Quan không gờ" hay Lê Nhựt Quan, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lại được nhiều người ngưỡng mộ về sự lịch sự, văn minh.

Xuyên suốt chuỗi dự án “Ăn gì khó, có Quan lo”, Nhựt Quan đã tìm đến từng góc phố để san sẻ những bữa ăn ngon đến những cụ già, trẻ em... phải vất vả mưu sinh nơi đường phố. Cái ngon mà Quan mang lại không chỉ đơn thuần là hương vị của món ăn mà đó còn là sự sẻ chia, xoa dịu bằng những lời lẽ ân cần, đầy lễ phép: “Dạ con chào bà, bà có muốn ăn gì để con mua”, “Con chúc bà sức khỏe”...

Chàng trai Lê Nhựt Quan tạo được dấu ấn trong lòng người xem TikTok bởi sự lễ phép, chân thành với những nhân vật mà anh giúp đỡ

NVCC

Những người trẻ như Nhựt Quan đang xây dựng một nền tảng TikTok đầy văn minh, tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng. Những gì chàng trai 21 tuổi này đã và đang làm minh chứng cho những nội dung sạch, sự đầu tư chất xám, công sức và sự nỗ lực luôn mang lại những giá trị bền vững. Hiện tại, Nhựt Quan đã có hơn 2,7 triệu lượt người theo dõi và con số này sẽ còn tăng vì theo TikToker này dự án “Ăn gì khó, có Quan lo” sẽ được duy trì đến khi anh không còn đủ sức khỏe và tài chính.

“Khi xem video của Quan mọi người sẽ có những cái nhìn tích cực hơn về con người và cuộc sống hiện tại. Dù bạn đang có khó khăn, thất bại cũng đừng nản lòng vì ngoài kia còn nhiều người vất vả hơn bạn gấp nhiều lần nhưng họ vẫn mạnh mẽ vượt qua sóng gió cuộc đời và khao khát được sống và làm việc. Ngoài ra, Quan muốn mọi người yêu thương nhau, san sẻ và đồng cảm nhau nhiều hơn bởi vì mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người là mãi mãi”, thông điệp mà Nhựt Quan chia sẻ qua những video làm thiện nguyện của mình.

Ai cũng cần được tôn trọng, yêu thương!

Cũng yêu thích công việc thiện nguyện, thường xuyên quyên góp từ bạn bè, thầy cô và những người thân để tạo ra những buổi trao quà xuyên đêm cho những mảnh đời cơ nhỡ; Nguyễn Mỹ Kỳ Duyên, học sinh Trường quốc tế Việt - Úc là một trong những người trẻ trân trọng thông điệp “của cho không bằng cách cho”.

Hồi tháng 10, khi có dịp theo chân của nhóm Kỳ Duyên tham gia một buổi phát chăn, sữa cho người vô gia cư ở các tuyến đường tại TP.HCM, người viết đã có dịp chứng kiến sự lễ phép của Kỳ Duyên. Khi mỗi chiếc chăn được cho đi Duyên đều cầm bằng hai tay trong sự trân trọng, những cái cúi đầu chào hay những lời động viên của cô bé khiến cho đêm lạnh cũng bỗng trở nên ấm áp lạ kỳ.

Tuổi còn nhỏ nhưng Kỳ Duyên đã biết coi trọng lễ nghĩa, kính trọng với người lớn tuổi.

KIM NGỌC NGHIÊN

Vì số tiền quyên góp có giới hạn nên Duyên chỉ phát được cho mỗi hoàn cảnh một chiếc mền, một bịch sữa cùng gói khẩu trang... số lượng quà tặng không nhiều nhưng tình thương và sự tâm huyết của cô gái trẻ đã khiến người được cho cảm thấy ấm lòng.

“Tuy cuộc sống thiếu thốn nhưng mình thấy các cô chú sống rất nghị lực. Mình tin nếu không có mình các cô chú ấy tuy khổ nhưng vẫn xoay xở được. Điều quan trọng là sự quan tâm, sẻ chia và cho họ biết rằng vẫn còn nhiều người yêu thương họ, đó mới là giá trị cốt lõi trong mỗi chuyến thiện nguyện”, Kỳ Duyên chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.