‘TikToker review quán ăn’ có đang vượt quá giới hạn?

12/08/2022 18:54 GMT+7

Căng thẳng giữa các TikToker và chủ hàng quán gần đây trở thành đề tài tranh cãi không hồi kết. Đỉnh điểm là nhiều hàng quán chọn cách 'cấm cửa' một số TikToker.

Sau những lời qua tiếng lại giữa các TikToker và chủ hàng quán trên mạng xã hội, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu các TikToker có đang vượt quá giới hạn, cố tình chê, “bốc phốt”, tự cho mình là chuẩn mực nhằm "hạ bệ" các hàng quán?

TikToker thực sự có quyền lực?

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên môn truyền thông đa phương tiện Trường ĐH Văn Lang, cho biết “review content” (nội dung nhận xét, đánh giá) trên mạng xã hội trở nên phổ biến ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Đa số video đánh giá hàng quán từ khen đến chê trên YouTube và TikTok nhắm vào đối tượng người xem thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010).

Trào lưu trở thành người nhận xét món ăn đang được giới trẻ hưởng ứng rầm rộ

chụp màn hình

Theo thạc sĩ Tú, trên mạng xã hội, ý kiến của reviewer (người làm nội dung đánh giá) nào phù hợp với thị hiếu khán giả mục tiêu thì sẽ nhận được sự tán đồng cao. Điều này không sai nếu như reviewer mang đến thông tin sâu sắc, tích cực, thêm kiến thức và giá trị sống cho khán giả. Tuy nhiên, theo ông Tú, điều đáng lo ngại là reviewer đưa ra nhận định dựa trên thông tin sai lệch, giả định sai lệch hoặc thiếu kiến thức nền tảng.

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng người nổi tiếng trên mạng xã hội thực sự có sức ảnh hưởng với công chúng vì họ có nhóm cộng đồng ủng hộ đông đảo, từ vài ngàn đến hàng triệu người.

Dù vậy, việc lạm dụng "quyền lực" trên không gian mạng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, cụ thể ở đây là người kinh doanh hàng quán, và chính reviewer. "Nếu bị “bốc phốt” là đưa thông tin xuyên tạc, thiếu khách quan, câu view hay lợi dụng tên tuổi để thực hiện clip không đúng sự thật, reviewer sẽ dễ dàng đánh mất thương hiệu cá nhân, từ đó cộng đồng ủng hộ cũng giảm sút, thậm chí tan rã nhanh chóng", thạc sĩ Tú chia sẻ.

Một số quán ăn dán ảnh "không tiếp" hai TikToker này

chụp màn hình

Thạc sĩ Tú đồng thời lưu ý: “Không có một dạng thông tin định hướng tiêu cực nào tồn tại mãi trong thời buổi có nhiều ý kiến khách quan, đa chiều như hiện nay. Do đó, các bạn trẻ có thể tỉnh táo tự chọn cho mình những nội dung uy tín và giá trị”.

TikToker nói sai có thể bị xử phạt

Luật sư (LS) Nguyễn Ngô Quang Nhật (công ty Luật Chính Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý TikToker, YouTuber hay Facebooker làm nội dung đánh giá sai lệch về hàng quán có thể bị xử phạt theo luật pháp Việt Nam.

Một số chủ quán bị ảnh hưởng không ít bởi những clip đánh giá của các TikToker

hà ngư

Theo ông Nhật, pháp luật không cấm reviewer đưa ra đánh giá, nhận xét về sản phẩm và hàng quán. Tuy nhiên, nếu họ có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt từ 10-30 triệu đồng tùy mức độ, theo LS Nhật.

Nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý hình sự về: tội vu khống (Điều 156 bộ luật hình sự); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159), LS Nhật cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.