Bất ổn hiện nay là đầu ra của hầu hết các mặt hàng nông sản VN lại phụ thuộc rất lớn vào việc “đóng mở” cửa biên giới từ phía Trung Quốc.
Xây dựng chuỗi liên kết nhằm tránh những rủi ro trong chăn nuôi heo - Ảnh: Chí Nhân |
Đáng nói nhất là chỉ trong vòng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá heo hơi ở Đồng Nai, địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước, nhiều lần phải “nhảy múa” theo từng đợt đóng - mở của những "cánh cửa" này.
Nhiều trại heo ùn ứ
Giá heo thịt ở Đồng Nai thời điểm trước và sau tết rớt thê thảm khi thị trường Trung Quốc (TQ) ngưng thu mua. Đáng lo ngại là hàng chục ngàn con heo của các trang trại bị ứ đọng. Mặc dù mấy ngày gần đây giá heo “ấm” lên (tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg) nhưng tình trạng ùn ứ heo thịt vẫn chưa được cải thiện.
|
|
Anh Nguyễn Văn Chiểu, chủ một trang trại heo 4.000 con ở xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất, đã không thể xuất bán 500 con heo (110 kg/con) vào dịp tết vừa qua khi giá heo rớt chỉ còn 38.000 đồng/kg. Bán là lỗ nên anh Chiểu đành phải tiếp tục nuôi. Sau hai tuần nuôi tiếp, đến nay số heo trên đã chạm mốc 130 kg/con. Anh Chiểu cho biết giá heo mới chỉ tăng nhẹ lên 41.000 đồng/kg nhưng anh quyết định xuất bán. “Cũng mong huề vốn chứ nếu để nuôi nữa heo tăng trọng trên mức 130 kg sẽ rất khó bán, với lại càng nuôi càng lỗ”, anh Chiểu than.
Anh Nguyễn Đức Long, chủ trang trại heo ở ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung (H.Thống Nhất), cũng không thể xuất bán 70 con heo (khoảng 100 kg/con) vào những ngày cận tết. Số heo đó gia đình dự tính bán đi để lấy tiền mua thức ăn dự trữ và sắm tết nhưng rốt cuộc anh phải đi vay mượn để chi tiêu. Dẫn chúng tôi ra xem đàn heo đã quá lứa, anh Long nói: “Trước tết một tháng cũng đàn heo như thế này tôi bán với giá 43.000 đồng/kg, thế nhưng cận tết giá chỉ còn 38.000 đồng/kg. Dù kẹt tiền tôi vẫn không dám bán, đợi giá tăng trở lại. Hơn 10 ngày qua trong khi 70 con heo này đã ăn hết 100 bao cám (khoảng 25 triệu đồng) nhưng thương lái vẫn bặt tăm”.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo thời gian qua ở Đồng Nai rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ tính những trang trại lớn nuôi từ vài ngàn con trở lên thì riêng H.Thống Nhất - thủ phủ heo của tỉnh Đồng Nai, ứ đọng khoảng 15.000 con, chưa kể các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Theo phân tích của ông Đoán, chuẩn trọng lượng của heo thịt là từ 100 - 120 kg/con, trên mức chuẩn đó thì rất khó bán hoặc bán với giá thấp do heo nhiều mỡ, giống như heo nái, không đẹp, thương lái chê. “Bình thường ở vùng này xe tải bắt heo chạy nhộn nhịp mỗi ngày vài chục chuyến, mỗi chuyến chở khoảng 2.000 con. Tuy nhiên từ 20 tết trở lại đây thì im bặt. Hai ngày nay do giá tăng nhẹ nên lái heo quay trở lại nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài ba chiếc xe”, ông Đoán nói.
Giá heo hơi tại thị trường VN năm 2014 – 2015 - Nguồn: VISSAN
|
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - nhận xét: “TQ là thị trường lớn nhưng không ổn định, họ chỉ mua qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng nên khó ràng buộc, khi nào thiếu thì họ mua, đủ thì thôi. Do đó người chăn nuôi luôn là bên bị động, chịu nhiều thiệt thòi”.
|
|
Tìm cách “sống chung với lũ”
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc VISSAN, vào những đợt TQ tổ chức gom hàng trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 con heo nội “chạy” qua thị trường này, cao điểm có thể đạt từ 8.000 - 10.000 con/ngày. Những năm gần đây TQ thu mua heo với mức giá rất cao, có thời điểm lên đến 54.000 đồng/kg. Với giá thành sản xuất heo hơi của VN từ 39.000 - 40.000 đồng/kg, người nuôi heo lãi lớn. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, chuyện TQ cho "thổi giá" một mặt hàng nào đó lên thật cao rồi lại cho “xì hơi” đã “quay” nông dân trong cái vòng luẩn quẩn lời - lỗ. Nhiều khi thấy lời nhưng bù qua, sớt lại cuối cùng vẫn lỗ. Thương lái TQ cứ làm giá “nóng lạnh, nhảy múa” không theo quy luật nào nên rủi ro rất lớn. Đặc biệt về lâu dài cách làm ăn này làm cho nông dân không có động lực cải tiến về kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thành sản xuất thịt của VN vẫn cao hơn mức bình quân chung của thế giới từ 25 - 30%.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, TQ đang là một thị trường lớn của nông sản VN. Theo thống kê chính thức của các ngành chức năng, TQ chiếm trên 30% khối lượng gạo mà VN xuất khẩu trong những năm gần đây, bên cạnh đó là 90% khối lượng sắn và các sản phẩm từ sắn, thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang TQ đạt 80 - 90% như: thanh long, khoai lang, dừa, vải thiều... Vì vậy, theo các chuyên gia, vấn đề là phải tìm ra "cách chơi", cách sống chung các cơn nóng lạnh của thị trường này chứ không phải và cũng không thể “bỏ chạy”.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích nếu nhìn vấn đề từ góc độ thị trường sẽ thấy chuyện “họ ép mình không có gì lạ”. Nông sản có đặc tính khó bảo quản trong khi chúng ta trước nay vẫn làm theo kiểu sản xuất được cái nào đem đi bán cái nấy. Cách làm như vậy chính là chúng ta đã tạo cho họ một môi trường để họ ép mình.
“Tôi thấy trong thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhận ra vấn đề và làm theo một quy trình ngược lại. Ví dụ như ở ngành lúa gạo. Nếu họ muốn xuất hàng đi Trung Đông thì sản xuất gạo hạt dài theo thị hiếu của người Trung Đông; xuất hàng đi Nhật thì sản xuất gạo hạt tròn của Nhật Bản. Chúng ta không thể ép người Trung Đông hay Nhật Bản ăn gạo theo kiểu chúng ta, nhất là những thị trường của giới nhà giàu. Về mặt lý thuyết là vậy nhưng dĩ nhiên chúng ta không thể làm điều này một cách ồ ạt mà phải từng bước một sản xuất theo đơn đặt hàng. Để làm được điều này thì cần phải có vai trò của doanh nghiệp và nhà nước. Khi chúng ta xây dựng được các chuỗi như vậy thì TQ muốn mua hàng của chúng ta phải theo cách của chúng ta chứ không thể thu gom theo đường tiểu ngạch được; kèm theo đó chúng ta phải có chính sách khác về thương mại tiểu ngạch”, ông Ngãi hiến kế.
Bình luận (0)