Tìm cách giảm nhiệt giá hàng hóa

11/07/2018 07:54 GMT+7

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

“Yếu tố gây lạm phát cao chỉ là ngắn hạn và Chính phủ có đầy đủ công cụ để kiểm soát chỉ số này nằm trong mục tiêu dưới 4% mà Quốc hội giao”, là khẳng định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 10.7.
3 bộ bị phê bình
Cuộc họp diễn ra trong một không khí khá “nóng”, khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng tới 0,61% so với tháng trước, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2017 - mức tăng cao nhất trong 7 năm lại đây. Cùng với đó, có ít nhất 3 bộ đã bị lãnh đạo Chính phủ phê bình hoặc yêu cầu rút kinh nghiệm trước việc diễn biến giá cả tháng 6 tăng cao.
Đầu tiên là đối với Bộ NN-PTNT, khi cơ quan này đã không đưa ra được kịch bản điều hành nửa cuối năm trong bối cảnh giá thịt lợn được cho là "cao nhất thế giới". Trong khi CPI tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước thì chỉ riêng giá thịt lợn đã “đóng góp” tới 0,34%. Hiện giá thịt lợn đang ở mức cao, dao động 45.000 - 50.000 đồng/kg. Mặc dù Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trấn an rằng việc giá thịt lợn tăng cao “chỉ đột xuất vài nơi”, “đã giảm nhẹ và sẽ không tăng cao nữa”, song Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy ngược lại.
Cụ thể, dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng chừng 5% trong tháng 7, khoảng 4% trong tháng 8 và điều này sẽ tác động vào CPI lần lượt là 0,2% trong tháng này và 0,168% trong tháng 8. Điều đáng nói là ngay từ phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá cuối năm 2017, Phó thủ tướng khi ấy đã cảnh báo về nguy cơ này nhưng ngành nông nghiệp đến giờ vẫn không có giải pháp ứng phó.
Bộ thứ hai bị Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cụ thể là Bộ Y tế vì vẫn chưa tổ chức đấu thầu thuốc và thiết bị y tế tập trung. “Đấu thầu công khai, minh bạch là rất tốt, thuốc giả rất khó vào, giá thuốc lại giảm 15 - 20%. Chính phủ có lợi, người bệnh có lợi, bệnh viện cũng lợi, vậy tại sao chưa làm”, Phó thủ tướng chất vấn và giao Bộ Y tế sớm tổ chức đấu thầu thuốc trong năm 2018 tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN cũng như cần triển khai đấu thầu thiết bị y tế các bệnh viện tuyến T.Ư. Trong khi đó, Bộ GTVT cũng bị nhắc nhở, yêu cầu rút kinh nghiệm khi đã không có dự báo, báo cáo về việc giá vé hàng không và tàu hỏa tăng trong dịp cao điểm hè để ban chỉ đạo cập nhật vào trong kịch bản điều hành của Chính phủ.
Xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục và thiên tai khó lường
Giữ CPI cả năm dưới 4% không phải dễ nhưng chúng ta sẽ làm được
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Tại cuộc họp, đa số thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng CPI tháng 6 cao là do một số yếu tố ngắn hạn, và nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn thì không có gì đáng ngại và lạm phát tháng 6 chỉ tăng 0,27% so với tháng trước đó. Con số lạm phát cơ bản nửa năm qua chỉ tăng 1,35% cũng phần nào cho thấy điều này. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường có thể đẩy CPI tiếp tục tăng và Chính phủ yêu cầu các bộ không để phải bị động.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, ngoại trừ tháng 7 dự báo CPI sẽ giảm 0,2% thì các tháng còn lại CPI đều tăng, trong đó các yếu tố đáng ngại ngoài giá thịt lợn còn có giá xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục và thiên tai khó lường. Tuy nhiên, các kịch bản CPI do Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) độc lập xây dựng đều dự báo CPI cả năm 2018 dao động từ 3,7 - 3,88%. Trường hợp “xấu nhất” thì CPI bình quân 2018 sẽ tăng 3,9 - 4% so với năm 2017.
Trong đó, đáng ngại nhất là giá xăng dầu tăng và áp lực của việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường (tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng) lên nhóm hàng này khả năng cao sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và áp dụng từ tháng 9.2018.
Chia sẻ vấn đề này, Phó thủ tướng Huệ cho hay đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường là của Chính phủ, song bối cảnh gần 3 tháng trước (khi đề xuất) khác với bây giờ nên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới, Bộ Tài chính cần thông tin thêm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc.
Nhắc tới chu kỳ là để phòng chứ không phải đối phó
Phó thủ tướng khẳng định ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. “Giữ CPI cả năm dưới 4% không phải dễ nhưng chúng ta sẽ làm được. Thực lực nền kinh tế nay đã khác và Chính phủ có đủ công cụ để làm được điều này”, ông Huệ nhấn mạnh. Cũng theo Phó thủ tướng, thời gian qua ông có nghe một số ý kiến cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm của nền kinh tế. Những ý kiến này dẫn theo các dấu hiệu là lạm phát cao trở lại, thị trường chứng khoán giảm, tỷ giá tăng cộng các yếu tố bên ngoài như nguy cơ khi chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu… “Ở đây không có yếu tố lạm phát theo chu kỳ hay do điều hành vĩ mô. Chính phủ nhắc tới ảnh hưởng chu kỳ 10 năm là để dự phòng chứ không phải xác định để đối phó khi mà chúng ta đã có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn trong điều hành, tổ chức sản xuất”, ông Huệ khẳng định.
Nhiều giải pháp được bàn đến
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm qua cũng ghi nhận nhiều ý kiến “hiến kế” cho việc giảm giá một số mặt hàng thiết yếu. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Bích Lâm cho rằng tổ điều hành xăng dầu nên tăng cường chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời ngừng trích lập quỹ trong một thời gian nhất định để hạn chế việc phải tăng giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu này. Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng giao liên ngành tài chính - công thương xem xét có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu. Phó thủ tướng cũng thúc giục các bộ này sớm xây dựng đề án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu sinh học để có cơ hội giúp mặt hàng này giảm giá thêm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay đầu tháng 7 này, ngành đường sắt đã có phương án giảm giá vé tàu hỏa và sẽ thực hiện trong vài ngày tới.
Đáng chú ý, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tạm ngưng kế hoạch điều chỉnh chi phí quản lý trong giá dịch vụ y tế ngay trong năm 2018 và sẽ xem xét lại vào quý 4/2018. Với thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính được giao tính lộ trình áp dụng thích hợp, tránh thực hiện trong tháng 9 vì đây là thời điểm giá dịch vụ giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7% khi bước vào năm học mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.