Hiện toàn xã có 752 lò hầm than, tập trung chủ yếu ở các ấp Hòa Lộc 2, Hòa Thành, Hòa An. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình trong xã trở nên khá giả, có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm; hàng ngàn lao động phổ thông ở địa phương có việc làm ổn định quanh năm với mức lương từ 200.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, đằng sau cái được đó thì làng nghề hầm than Xuân Hòa lại đánh đổi bởi tình trạng ô nhiễm khói bụi khá nặng nề.
Khói bụi từ các lò hầm than tỏa ra mù mịt phủ kín cây cối, nhà cửa, trường học, trạm y tế xã... Nhiều người bị mắc bệnh về đường hô hấp do hít phải khói bụi lò than. Ông Nguyễn Văn Chương (ngụ ấp Hòa Lộc 2) có 5 công vườn trồng bưởi năm roi, do ảnh hưởng bởi lò than phải đốn bỏ để trồng cây khác. Ông Chương nói: “Cam, bưởi ra hoa rất nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái chỉ đạt chừng 50% vì bụi than rất mặn, bám vào sẽ gây rụng bông. Nếu có trái thì bị teo tóp, bên ngoài đóng một lớp bụi than đen. Vì vậy thương lái không mua hoặc mua với giá rẻ, khiến nhà vườn bị lỗ vốn”.
|
Theo chính quyền địa phương, mặc dù nghề hầm than gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của hàng ngàn người dân…nhưng rất khó cấm bà con hành nghề bởi thu nhập của nghề này rất hấp dẫn, lại tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi. Hiện nay, than của Xuân Hòa đã có mặt ở nhiều nơi như TP.HCM, Côn Đảo, Phú Quốc, Đài Loan và một số nước châu u. Mới đây, Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa, H.Kế Sách”, do Viện Công nghệ hóa học chủ trì thực hiện. Qua thử nghiệm, đề tài này giảm được 80% hàm lượng bụi và các khí axit trong khí thải. Hy vọng đây sẽ là “lối ra” cho nghề hầm than ở Xuân Hòa.
Trần Thanh Phong - Hoàng Vân
Bình luận (0)