Bôn ba đi tìm cha
Chúng tôi tìm về thôn Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp Trung (H.Đông Hòa, Phú Yên) gặp bà Trần Thị Ngái, mẹ của Trần Văn Ty. Ở tuổi 67, nhưng bà vẫn nhớ rõ mối tình đầu của mình với hạ sĩ Kim Young Ki, người Nam Triều Tiên tham chiến tại Việt Nam.
Bà Ngái kể, vào năm 1967 bà sống ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, H.Tuy Hòa (Phú Yên) buôn bán đồ hộp nên thường xuyên ra vào trại đóng quân của Trung đoàn 28 - Sư đoàn Bạch Mã. Rồi tình yêu giữa bà với hạ sĩ Kim đến khi nào chẳng biết. Thời điểm này trong dòng họ không ai đồng ý cuộc hôn nhân của họ, nhưng cuối cùng tình yêu đã thắng. "Vậy mà... Đám cưới cũng không được trọn vẹn. Đang vui vẻ trong ngày cưới bỗng chiếc xe Jeep chạy đến, chở Kim và vị chỉ huy về đơn vị" - bà Ngái bồi hồi nhớ lại.
Bà Ngái kể tiếp, sau khi sinh người con gái đầu lòng (1968, hiện đang sinh sống tại TP.HCM), hạ sĩ Kim giải ngũ về nước. Nhưng rồi, nỗi nhớ vợ con thôi thúc Kim trở lại Việt Nam và xin vào làm tài xế cho Trung đoàn 30 (cũng thuộc Sư đoàn Bạch Mã) đóng quân tại chân đèo Bánh Ít (H.Ninh Hòa, Khánh Hòa). Vào năm 1970, lần lượt Trần Thị Kim Hương và Trần Văn Tiến ra đời, Kim giải ngũ về nước. "Chiến tranh kết thúc, để tránh liên lụy, tôi đem đốt sạch giấy tờ liên quan đến ông Kim. Khai sinh 3 chị em đều phải sửa tên cha thành "vô danh". Trần Văn Tiến đổi thành Trần Văn Ty. Để tránh sự đàm tiếu của những người xung quanh về những đứa con mắt một mí, tôi phải đưa chúng về thị xã Tuy Hòa, Phú Yên sinh sống" - bà Ngái kể.
Ông Lee chia sẻ: "Thật ra, sau khi về nước, ông Kim cũng rất quan tâm đến vợ con ở Việt Nam, nhưng không cách gì liên lạc được. Rồi, ông Kim lấy vợ và sinh được thêm 2 người con trai. Do có thời gian dài sống ở khu vực bị Mỹ ném nhiều chất hóa học nên ông Kim bị ảnh hưởng chất độc màu da cam". Vừa thấy Ty bước ra ngoài, ông Lee nói nhỏ với tôi: "Ông Kim bây giờ yếu lắm rồi, không thể nào lên nổi máy bay để về Việt Nam thăm gia đình bà Ngái lần cuối cùng, nhưng ông ta vẫn thường xuyên gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khỏe của vợ con của mình ở Việt Nam...". |
Càng lớn, Ty bắt đầu mặc cảm với số phận "thằng con lai Đại Hàn" qua những lời trêu chọc của bạn bè cùng lứa. "Mặc cảm với số phận, tôi đã nhiều lần tìm cách ra nước ngoài với hy vọng tìm được cha, nhưng đều không thành. Năm 1991 tôi làm giấy tờ đi Hàn Quốc theo diện con lai, nhưng cũng rớt ngay khâu phỏng vấn do lý lịch không rõ ràng. Buồn chán, tôi vào Sài Gòn thuê xích lô chở khách để kiếm sống, tối về lấy công viên làm nhà. Chủ thấy vậy, sợ bị cướp mất xe nên đòi lại. Thế là tôi phải đổi sang nghề phụ hồ, lượm ve chai kiếm sống" - Ty kể.
Vào thời điểm này, Nhà nước bắt đầu mở cửa, nhiều tổ chức xã hội của Hàn Quốc cũng đến TP.HCM mở lớp dạy nghề nhân đạo cho con lai Hàn... Ty bỏ cuộc sống lang thang vào ở ký túc xá học vi tính, ngoại ngữ. "Nhờ biết được tiếng Hàn Quốc, cứ mỗi lần gặp người nào đến từ xứ sở kim chi hoặc khi họ về nước tôi đều hỏi thăm tin tức về một hạ sĩ tên Kim Chong Kil (tên cha Ty là Kim Young Ki nhưng bà Ngái viết nhầm thành Kim Chong Kil - PV), nhưng tất cả mọi nỗ lực của tôi đều rơi vào tuyệt vọng".
Năm 1993, Ty may mắn được ông Kim Ki Seon - Tổng đại lý phát hành báo Hàn Quốc tại Việt Nam vừa là Tổng giám đốc Tập đoàn PICO (trụ sở chính đặt tại Ả Rập Xê Út) nhận làm con nuôi và hằng tháng chu cấp 50 USD đi học đại học. Ông Kim đặt cho Ty một cái tên rất Hàn: Kim Sang IL. Năm 1997, Ty vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì được ông Kim cử ngay sang Ấn Độ làm giám đốc một nhà máy dệt. Sau ba năm, Ty quyết định nghỉ việc sang Seoul (Hàn Quốc) để tiếp tục hành trình tìm cha.
Cuộc hội ngộ sau 30 năm
Vừa đặt chân đến Hàn Quốc, Ty leo ngay lên tận đỉnh núi Ik San nằm sát biên giới CHDCND Triều Tiên - nơi đặt Bộ chỉ huy của Sư đoàn Bạch Mã để tìm tư liệu về ông Kim. Anh cũng đã có dịp tìm gặp rất nhiều cựu chiến binh và nói chuyện về con lai Hàn Quốc tại Việt Nam, hy vọng nhờ họ giúp đỡ tìm được cha. "Cả một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm cũng chưa có kết quả gì... Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của mục sư Lee Yoon Woo, Thư ký Hiệp hội phúc lợi xã hội Hàn Quốc, tôi được giới thiệu vào làm tại Công ty L&S. Thật là bất ngờ, chính nơi đây, tôi gặp lại người cha mà mình cố công tìm kiếm suốt 30 năm" - Ty kể.
Người viết bài gặp được ông Lee Hei Young, nguyên là Tổng giám đốc Công ty L&S thời kỳ đó, đang sinh sống tại Việt Nam. Ông Lee cũng là một cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Nha Trang.
Ông Lee Hei Young và Trần Văn Ty - Ảnh: H.T |
Ông Lee kể, sau khi nhận đứa con lai Hàn vào trong công ty làm việc phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu, Ty nhiều lần tâm sự với ông đã và đang đi tìm cha hơn 30 năm nay, một người lính từng tham chiến tại Phú Yên. "Nhưng lúc đầu Ty cứ nói cha mình tên là Kim Chong Kil nên tôi lắc đầu trả lời không biết. Chứ có biết đâu rằng, Kim Chong Kil chính là Kim Young Ki - một cổ đông của Công ty L&S. Hai cha con làm việc chung trong một công ty mà không hề hay biết nhau" - ông Lee cười to rồi kể tiếp: "May thay, trong một dịp tình cờ, tôi có kể cho ông Kim nghe về trường hợp một nhân viên của mình lặn lội từ Việt Nam sang đây để tìm kiếm người cha ruột, đã bỏ rơi mẹ con họ hơn 30 năm. Khi nghe tôi nhắc lại địa chỉ, gia đình, tên tuổi người phụ nữ... trong thời chiến, ông Kim ngồi bất động, không nói nên lời vì biết rằng đó chính là gia đình của mình".
Ngồi bên cạnh ông Lee, Ty xen vào: "Tôi nhớ rất rõ đó là vào ngày 11.9.2001 vì trùng với ngày mà tòa tháp đôi của Mỹ bị tấn công. Ông Lee bất ngờ gọi tôi lên văn phòng giới thiệu một cổ đông mà thỉnh thoảng tôi vẫn thường gặp trong công ty (ông Kim phụ trách trong lĩnh vực xây dựng - PV) đang đứng như chết trân ở góc phòng, rồi nói: "Đây là hạ sĩ Kim Young Ki, người anh đang cố công tìm kiếm". Tôi đứng yên lặng không nói được lời nào. Tự nhiên, cảm giác giận dỗi bao trùm lên sự thương nhớ người cha mà lâu nay tôi đang tìm kiếm trong tuyệt vọng. Cuối cùng, ông Kim mở lời, lặng lẽ nhắc lại nơi đóng quân, tên của người phụ nữ mà ông đã từng kết hôn cùng với đứa con gái đầu lòng của mình…".
Ông Lee tiếp lời: "Cả hai bên ráp nối thông tin về hoàn cảnh. Chính xác. Ty còn đưa tấm ảnh của người chị cả, ông Kim nhận ra ngay đó là con gái đầu lòng của mình. Thấy hai người đứng chết trân trong phòng, tôi giục nhân viên của mình gọi ông Kim một tiếng "cha", nhưng thật bất ngờ, Ty không chịu". Ty giải thích tình huống lúc đó: "Không hiểu vì sao lúc đó tôi lại nén cảm xúc mà gằn giọng: mấy chục năm sao ông không đi tìm vợ con; nếu muốn thì hãy sang Việt Nam, khi đó mẹ tôi thừa nhận ông ấy là chồng, thì tôi mới gọi cha. Ông Kim khá bất ngờ trước phản ứng của tôi và hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng trong thời gian tới. Vậy mà đến nay, lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực. Tôi vẫn chưa có điều kiện gọi ông Kim một tiếng cha".
Mãn nguyện sau khi gặp được mặt cha, 15 ngày sau Ty xin nghỉ việc, về nước mở công ty du lịch, hoạt động cho đến nay.
(Còn tiếp)
Phóng sự của Hoàng Tuấn
Bình luận (0)