UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng xây dựng khu công nghiệp (KCN) y - dược tại KCN Lê Minh Xuân 2 (H.Bình Chánh) quy mô 338 ha để sản xuất thuốc. Đề án được kỳ vọng sẽ giúp bảo đảm an ninh dược phẩm cho thành phố, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung sản xuất thuốc gì ?
Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực dược - nhận định TP.HCM có thế mạnh lớn nhất là trung tâm giao thương ở khu vực phía nam, thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng thuốc đến các khu vực khác, tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn TP.HCM luôn có sự tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước. Bà hy vọng thành phố sẽ xây dựng thành công KCN sản xuất thuốc để chủ động cung ứng.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, cũng phải nhìn nhận thực tế, thuốc có 2 nhóm là biệt dược và thuốc generic (hết hạn bảo hộ). Nhóm nào cũng có khó khăn cần giải quyết mà không phải chỉ tùy thuộc vào thành phố.
"Nhóm thứ nhất là các nhóm biệt dược gốc, không ai mang nhóm thuốc này về mà sản xuất ở thành phố hay ở bất cứ đâu. Vì đó là thuốc độc quyền và theo cơ chế nhập khẩu từ nước ngoài, liên quan đến chính sách cấp số đăng ký, giá cả của bảo hiểm. Và chúng ta đang theo chiến lược càng ngày càng siết các nhóm thuốc này vì đắt tiền, bệnh nhân bảo hiểm muốn dùng không phải dễ", bà Lan phân tích.
Về nhóm thuốc generic, bà Lan cho rằng đây là đối tượng TP.HCM nhắm đến khi xây dựng KCN và các nhà máy thuốc. Ở khía cạnh này, TP.HCM không thiếu nhà máy dược phẩm nhưng vướng ở chiến lược sản xuất và nhà đầu tư.
"Thế mạnh đầu ra là các bệnh viện sử dụng nhóm thuốc này nhưng khi bệnh viện hiện nay theo cơ chế đấu thầu thì chỉ có một con đường duy nhất là thuốc càng rẻ càng tốt. Vì thế, đầu ra của thuốc bị kẹt về giá cả cạnh tranh của nhà máy ở TP.HCM khi đặt trong so sánh với những nhà máy ở các tỉnh. Ví dụ như ở các tỉnh lẻ thì tiền thuê đất rẻ hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn nên giá thuốc cũng rẻ hơn ở TP.HCM", bà Lan nói.
Cũng theo TS Lan, có một thực trạng diễn ra nhiều năm qua, đó là nhà nhà "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Tức chỉ cần trên thị trường có loại thuốc nào đang hút hàng hoặc chờ thuốc nước ngoài hết bản quyền thì các bên cùng đổ xô mua nguyên liệu rồi dập thành viên để bán. Đây gọi là "thuốc nhái" và như vậy thì làm sao tạo ra sự khác biệt? Bà chỉ ra hiện trên thị trường có vô số loại thuốc cảm nhưng chỉ có thể "đếm trên đầu ngón tay" những doanh nghiệp ở TP.HCM chú ý phát triển sản phẩm riêng hay ít ra là nghiên cứu tương đương sinh học của những thuốc này.
Định hướng sản xuất thuốc của TP.HCM mang hàm lượng chất xám rất cao và phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là đối với một thành phố có đầu ra tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện có lực lượng y bác sĩ và số bệnh nhân lớn để có những kết quả nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nên đầu tư cái gì, ở đâu, cái nào cần khuyến khích.
"Chúng ta không nên chạy theo kiểu ông nào cũng sản xuất ra mấy chục loại dược phẩm nhưng toàn những loại thông thường. Nếu tính làm được cái gì khác biệt thì làm. Thí dụ như đầu tư về dạng thuốc tiêm, truyền, vắc xin, những loại mình đang thiếu, hoặc thuốc công nghệ cao. Thời gian đầu, chúng ta nên đẩy mạnh hợp tác với những "ông lớn" ngành dược, khi nào đủ sức thì mới tách ra", bà Lan góp ý.
Phải có định hướng
Theo PGS-TS Phong Lan, việc TP.HCM dành quỹ đất cho sản xuất dược là rất đáng hoan nghênh nhưng cần có định hướng rõ ràng. Điều cần lưu ý, định hướng này không phải do chỉ mình TP.HCM quyết định mà ngay trong luật Dược phải xây dựng định hướng chiến lược là nếu muốn phát triển công nghiệp dược trong nước thì phải làm chí ít được như nước ngoài. Bà nêu một chuyện đơn giản là không nhập khẩu những gì mình đã làm được.
PGS-TS Phong Lan góp ý TP.HCM phải tính toán trước số lượng, cần khoảng bao nhiêu hàng biệt dược, bao nhiêu hàng generic. Từ đó, đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp có thể đáp ứng được hay không. Sẽ ưu tiên sản xuất trong nước hàng generic, cho các doanh nghiệp và sẽ không nhận đăng ký nữa khi đủ số, trừ khi có công ty nào trả lại số đăng ký.
PGS-TS Phong Lan đặt thêm vấn đề phải gỡ rối từ thủ tục, quy định đối với việc cấp số đăng ký và nhất là trong cơ chế đấu thầu. Theo bà, mục tiêu của đấu thầu là tiết kiệm, chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng cuối cùng lại lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà không ai đấu thầu được.
Cần có trung tâm nghiên cứu độc lập
Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dược tại TP.HCM cho biết ông đang cân nhắc có nên vào KCN dược của thành phố hay không, vì còn phải xem cơ chế cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, theo ông, trong dự thảo luật Dược mới đã bỏ qua vấn đề nền tảng của phát triển công nghiệp dược, đó là hình thành trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập. Kinh nghiệm cho thấy từng nhà máy, từng doanh nghiệp lập trung tâm riêng lẻ sẽ dẫn đến manh mún, không phát triển được. Ngành dược nước ngoài phát triển là nhờ dựa vào các trung tâm nghiên cứu độc lập, chuyển giao về cho các nhà máy. Nếu chúng ta có trung tâm nghiên cứu độc lập sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu tư, vì nếu nhà máy nào cũng phải đầu tư trung tâm nghiên cứu gần cả trăm tỉ đồng, nhưng chỉ để làm một vài sản phẩm thì rất lãng phí.
Tiếp theo là cần xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm tương đương sinh học (tương đương biệt dược gốc) đạt chuẩn quốc tế. Vì hiện nay các trung tâm của VN chưa đạt chuẩn và không được quốc tế công nhận. Một thuốc sản xuất ở VN cần chứng minh tương đương sinh học để xuất khẩu thì phải ra nước ngoài kiểm định, rất tốn kém. Đây cũng là nền tảng cơ bản nhất để phát triển nền công nghiệp dược, vị giám đốc khẳng định.
Vấn đề thứ ba mà ông đề cập là chính sách dành cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở các tỉnh lân cận nên việc di dời về TP.HCM là không dễ. Do vậy, cần làm rõ doanh nghiệp vào KCN dược của thành phố thì sẽ được lợi gì, chẳng hạn như ưu đãi thuế, ưu tiên cấp số đăng ký, xuất khẩu...
Yếu tố con người cũng quan trọng không kém, các trường đào tạo phải cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực và đào tạo những ngành chuyên sâu về nghiên cứu bào chế thuốc. Và cuối cùng mới là cơ sở hạ tầng, theo vị này.
Nên liên kết các nhà máy sẵn có
Một giảng viên ngành dược tại TP.HCM cũng góp ý việc nghiên cứu thuốc mới (hoạt chất mới) ở VN là khá khó khăn vì liên quan đến công nghệ hóa dược. Tuy nhiên, VN, nhất là miền Nam, có thế mạnh nghiên cứu mới về dạng bào chế mới, tá dược mới. Đây là vấn đề TP.HCM cần nghiên cứu và xây dựng các chính sách.
Theo giảng viên này, nếu mở KCN dược mà sản xuất bình thường, giá bị lệ thuộc (thậm chí mắc hơn) thì cũng sẽ giống như nhà máy ở các nơi khác và sẽ khó thu hút nếu không có chính sách tốt. Hiện nay các nhà máy ở các tỉnh đã khấu hao xong nên giá thành đã giảm so với sản phẩm của nhà máy xây mới.
"Hiện nay có rất nhiều nhà máy sản xuất thuốc nhưng chưa được khai thác hết, trong khi thuốc nhập khẩu rất nhiều. Do vậy, TP.HCM cần tính toán sử dụng nguồn lực sẵn có, đó là liên kết các nhà máy, chủ trì (lập trung tâm nghiên cứu, điều hành và phân phối) để chia sẻ gia công thuốc, vì mỗi nhà máy có các dây chuyền, các thế mạnh khác khau. Đây là hướng đi rất hiệu quả", vị giảng viên ngành dược nêu ý kiến.
Bình luận (0)