Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Chuyên gia kinh tế, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Mekong, nói rằng Chính phủ đang đặt ra vấn đề là cần duy trì và đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số; đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt phát triển hạ tầng nhanh hơn; giải quyết điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường hoạt động cho doanh nghiệp (DN) thông thoáng theo tôn chỉ mục đích là cái gì nhà nước không cấm, DN, người dân có quyền làm. Ông Tùng nhấn mạnh: "Những vấn đề này không hoàn toàn mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là các vấn đề quan trọng, tạo động lực tăng trưởng. Trong đó, tôi chú trọng việc khai thác đẩy mạnh đầu tư công".
![Tìm động lực mới cho kinh tế VN- Ảnh 1. Tìm động lực mới cho kinh tế VN- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/2-1739195293479335976864.jpg)
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh phát triển đầu tư công là động lực cho tăng trưởng. Trong ảnh: Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang thi công phần mái
ẢNH: LÊ LÂM
TS Phùng Đức Tùng băn khoăn: "Tăng tốc đầu tư công nữa thì nguồn vốn đầu tư ở đâu? Có một điều quan trọng mà trong những ý kiến khơi thông động lực chưa được đề cập và chưa làm rõ. Đó là thoái vốn toàn bộ DN nhà nước. Chiến lược phát triển kinh tế thị trường của chúng ta từ lâu đã đặt ra kế hoạch thoái vốn các DN nhà nước, đặc biệt là DN trong các lĩnh vực không liên quan an ninh quốc gia. Hiện tại, nguồn lực từ các DN nhà nước là cực lớn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, giá trị từ khu vực này đạt trên 400.000 tỉ đồng, tương đương gần 20 tỉ USD. Nếu thoái vốn, ngân sách quốc gia thu về lượng tài chính lớn, đủ giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, giúp tăng trưởng lớn mạnh. Trong lịch sử, chúng ta thoái vốn một số DN nhà nước rất thành công như Vinamilk, Sabeco… Khi DN nhà nước được tư nhân vận hành, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, thậm chí giúp thu thuế cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP.
Đó cũng là mục tiêu nhà nước đưa ra, đó là cái gì tư nhân làm được, không liên quan an ninh quốc gia, nhà nước không nên giữ làm gì. Cần lưu ý là các DN đã thoái vốn thì không nên giữ lại vài chục phần trăm vốn nhà nước nữa, điều đó không cần thiết. Nguồn tiền thu được từ việc thoái vốn này tiếp tục được mang đi đầu tư công, phát triển hạ tầng mà không cần vay mượn nhiều từ nước ngoài, giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Như vậy, đây là động lực quan trọng để giúp nền kinh tế tăng trưởng 2 con số".
TS Phùng Đức Tùng dẫn chứng, các DN nhà nước thuộc lĩnh vực như hóa chất, mỏ, thậm chí điện lực… đều có thể thoái vốn sớm. Vinamilk vẫn còn cổ phần của nhà nước, nên thoái hết. Hay trong lĩnh vực ngân hàng, nên giảm bớt các ngân hàng do nhà nước nắm giữ vốn lớn. TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh: "Thoái vốn nhà nước phải được đề cập, đưa vào kế hoạch triển khai quyết liệt trong 5 năm tới. Phải làm quyết liệt hơn, không phải mang vốn nhà nước ra bán vài chục phần trăm rồi bảo đã thoái vốn rồi, mà phải đi vào thực chất. Phải để tư nhân nắm tỷ lệ lớn, để tư nhân tham gia vận hành và quyết định theo tiêu chuẩn, thông lệ của thế giới, có lợi nhuận tốt hơn, giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh hơn. Bên cạnh đó, giúp nguồn lực cho đầu tư hạ tầng dồi dào hơn".
Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, tăng tốc thị trường nội địa
Theo Tổng cục Thống kê, 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỉ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ đã chỉ rõ kế hoạch đầu tư công năm nay tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận định: Nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thêm 10% so với năm ngoái, cũng giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, cần tạo sân chơi cho nguồn tiền từ tư nhân chảy vào đổi mới sáng tạo thông qua thị trường tài chính. Trước đây, vốn tư nhân chảy vào vàng, tiết kiệm rất lớn. "Không nên để tiền ngủ yên, đừng để người dân ngủ quên trong tâm thế tiết kiệm. Phải kích thích tiêu dùng, tạo sân chơi cho nguồn vốn tư nhân tham gia vào là điều rất cần thiết", ông Lạng đề xuất.
Chuyên gia này cũng cho rằng chỉ cần làm mới các động lực hiện có, khai thác sâu hơn, thông minh hơn… thì mức tăng trưởng có thể tiệm cận 9%, chứ không phải từ 8% như Chính phủ đặt ra. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: Động lực của một nền kinh tế bao giờ cũng có từ trong nước và quốc tế. Với thị trường quốc tế trên 8 tỉ dân, dư địa mở rộng bán hàng ra nước ngoài còn rất lớn.
"VN là một trong những quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, đến nay VN đã ký kết gần hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường quan trọng từ đa phương đến song phương. Chúng ta hay nói về lợi thế xuất khẩu bằng việc mở rộng các thị trường, đưa hàng chủ lực sang các thị trường lớn, nhưng dường như nỗ lực này nằm tại một số DN, còn manh mún, chưa có sự tham gia sâu và nâng cao vị thế hàng hóa VN trong chuỗi cung ứng thế giới ở tầm quốc gia. Xuất khẩu của ta mới hơn 400 tỉ USD thì quá bé so với thị trường toàn cầu đang chi 7.000 - 8.000 tỉ USD để mua hàng hóa. Như vậy, động lực khai thác sâu, nâng vị thế tại thị trường nước ngoài là rất lớn. Thứ hai, với thị trường nội địa, năm 2024 chúng ta đang chi hơn 380 tỉ USD nhập hàng từ nước ngoài để tiêu dùng, sản xuất. Động lực giảm nhập khẩu, tự chủ nguyên liệu, hàng hóa phục vụ cho thị trường trong nước cần được khai thác tối đa. Giả sử chỉ cần 1/4 trong số 380 tỉ USD đó được chi mua từ trong nước thì chúng ta có gần 100 tỉ USD không phải chảy ra nước ngoài", ông Lạng nêu.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cũng đồng tình: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà VN đặt ra trong năm nay và các năm tới có thể đạt được nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi. Trong đó, xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế, bởi đây là đầu ra của rất nhiều ngành công nghiệp khác. Năm 2024, chúng ta đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục với trên 400 tỉ USD, đặc biệt trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng vượt kỳ vọng. Hiện tại, điểm thuận lợi lớn nhất của chúng ta là tham gia nhiều FTA song phương và đa phương. Đó là cơ sở để DN đẩy mạnh phát triển các thị trường mới.
Tuy vậy, để đạt được mục tiêu, VN cần chuẩn bị trước các phương án hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp bối cảnh kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi. "Các chính sách lúc này cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động và các DN trong lĩnh vực xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh, duy trì sản xuất ngay cả trong bối cảnh kém thuận lợi. Hiện lãi suất ở mức thấp nên dư địa giảm thêm lãi suất không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể cần chuẩn bị phương án tiếp tục giãn nợ cho các DN nếu cần thiết", ông Độ lưu ý.
Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Các DN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.
Bình luận (0)